Nam sinh gãy tay tự tháo bột để làm bài thi tốt nghiệp THPT: "Em từng làm đơn xin miễn nhưng quyết tâm thi"

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 26/06/2024 16:04 PM (GMT+7)
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 khoảng 2 tuần thì Nguyễn Khắc Anh Tuấn gặp tai nạn gãy bàn tay. Mặc dù được bác sĩ chỉ định hơn nửa tháng nữa mới được tháo bột nhưng nam sinh đã quyết định "liều một phen".
Bình luận 0

Chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Tại Hà Nội tiếp tục là địa phương có số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đông nhất cả nước với 109.078 thí sinh.

Tại điểm thi Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), em Nguyễn Khắc Anh Tuấn, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ bị gãy bàn tay đúng ngày dự thi. Sau khi làm thủ tục dự thi, Anh Tuấn đứng tại khu vực cổng trường chờ người thân tới đón.

Nam sinh gãy tay tự tháo bột để làm bài thi tốt nghiệp THPT: "Em từng làm đơn xin miễn nhưng quyết tâm thi"- Ảnh 1.

Thí sinh Nguyễn Khắc Anh Tuấn, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ bị gãy bàn tay phải đúng ngày dự thi. Trong ảnh, Anh Tuấn đang chia sẻ với PV Dân Việt. Ảnh: Nguyễn Hải

Anh Tuấn kể với PV Dân Việt, cách đây 2 tuần khi đang đi xe máy thì bị một người đi xe máy va quệt phải. Anh Tuấn chống tay xuống đất và bị gãy bàn tay.

Nam sinh gãy tay tự tháo bột để làm bài thi tốt nghiệp THPT: "Em từng làm đơn xin miễn nhưng quyết tâm thi"- Ảnh 2.

Cách đây 1 tuần, Anh Tuấn phải cắt một phần bó bột để thò được các ngón tay ra. Ảnh: Gia Khiêm

"Do bị tai nạn đúng thời điểm chỉ còn 2 tuần thi tốt nghiệp THPT khiến em vô cùng lo lắng. Tâm lý lúc đó cũng rất tâm lý. Em phải trải qua ca phẫu thuật, bó bột. Em xác định không thể thi được nên từng làm đơn xin miễn thi nhưng thời gian quá gấp gáp chưa được chấp thuận nên em phải quyết tâm cố gắng dự thi", Anh Tuấn kể.

Theo chỉ định của bác sĩ, ít nhất giữa tháng 7 Anh Tuấn mới được tháo bột. Cách cuối cùng là cắt một phần bó bột để thò được các ngón tay ra. Một tuần trước cậu bắt đầu tập tành viết.

"Ban đầu ngón rất đau, ngón áp út rất khó chịu cộng thêm đau nhức. Tâm lý lúc đó không tưởng tượng được. Nhiều khi đầu muốn viết mà tay em không cử động được. Tuy nhiên, dần dần tay cũng hoạt động theo quỹ đạo mình mong muốn. Bố mẹ cũng động viên em rất nhiều", Anh Tuấn chia sẻ.

Nam sinh gãy tay tự tháo bột để làm bài thi tốt nghiệp THPT: "Em từng làm đơn xin miễn nhưng quyết tâm thi"- Ảnh 3.

Nam sinh kỳ vọng mình sẽ làm thật tốt bài thi của mình. Ảnh: Gia Khiêm

Theo nam sinh, ban đầu tâm lý có chút lo lắng, tuy nhiên, có kết quả đỗ một số trường nên cũng hạ bớt được áp lực. Tuy nhiên, Anh Tuấn lại đặt hy vọng vào những mục tiêu lớn hơn nên quyết tâm cố gắng làm hết sức mình trong kỳ thi này.

"Năm nay em có nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Em mong muốn sau này được trở thành kỹ sư về máy bay. Trước ngày thi em có chút hồi hộp, căng thẳng nhưng sẽ cố gắng hết mình. Bố mẹ cũng dành phần thưởng đó là tặng em một chiếc máy ảnh để em được thoả sức đam mê chụp ảnh thể thao của mình", Anh Tuấn tâm sự.

Theo số liệu của Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 1.071.393 thí sinh đăng ký, tăng hơn 45.000 so với năm 2023. Trong đó, thí sinh tự do có 46.978, chiếm 4,38%. Toàn quốc bố trí 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm so với năm ngoái.

Nam sinh gãy tay tự tháo bột để làm bài thi tốt nghiệp THPT: "Em từng làm đơn xin miễn nhưng quyết tâm thi"- Ảnh 4.

Thí sinh lắng nghe quy chế thi tại điểm thi Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh chiều 26/6. Ảnh: Gia Khiêm

Trả lời báo chí ngày 24/6, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 - khẳng định, toàn quốc đã chuẩn bị chu đáo, chủ động, đầy đủ, sẵn sàng để tổ chức cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thực tế triển khai.

Phương châm của kỳ thi là vì học sinh, để học sinh dự thi, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, không để một thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông mà không đến được điểm thi.

Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh, tất cả các khâu cần phải chu đáo và thân thiện giữa cán bộ làm công tác phục vụ kỳ thi với nhau, giữa thầy cô giáo, cán bộ với học sinh để các em có tinh thần, tâm thế thoải mái nhất bước vào phòng thi.

"Đối với mỗi em học sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn rất quan trọng khi kết thúc hành trình học phổ thông, mở ra hành trình nghề nghiệp và cao hơn", Thứ trưởng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem