“Nam thần” TDDC Phạm Phước Hưng kể chuyện 2 lần vượt qua bạo bệnh

Lê Đức - Nguyễn Chương Thứ hai, ngày 07/10/2019 14:10 PM (GMT+7)
Ở tuổi 31, “hạt ngọc” Thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam Phạm Phước Hưng vẫn đang trên hành trình sưu tập thêm những tấm huy chương SEA Games 2019. Trong gần 25 năm theo đuổi đam mê, đã 2 lần chàng trai Hà thành “cãi lời” bác sĩ để vượt qua những giới hạn của chính mình.
Bình luận 0

Clip: Tuyển thủ TDDC Việt Nam Phạm Phước Hưng trò chuyện cùng Dân Việt.

Hết lao cột sống đến lao phổi!

Nói đến Phạm Phước Hưng mà chỉ nghĩ tới những tấm HCV Cúp thế giới, SEA Games nội dung vòng treo, xà kép sở trường thì có lẽ mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Phước Hưng đẹp trai, ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, luôn nở nụ cười tươi thu hút thiện cảm của người đối diện.

Chẳng ai nghĩ đằng sau vẻ ngoài ấy lại là một ý chí, nghị lực phi thường dám đối mặt và vượt qua những thử thách mà số phận dành cho anh.

img

Phạm Phước Hưng cho rằng phẩm chất kiên trì của một VĐV TDDC đã giúp anh vượt qua bạo bệnh để đi đến cùng với đam mê. Ảnh: Nguyễn Chương

“Đó là thời điểm cuối năm 2006 khi tôi đang sung sức, tràn đầy nhiệt huyết. Tôi đi tập huấn Trung Quốc và cảm thấy rất đau ở lưng.

Về Việt Nam, tôi vẫn thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc 2006 và giành HCV cho Hà Nội. Hoàn thành nhiệm vụ xong, tôi về nhà nằm 1 tuần, không đi đứng nổi.

Khi đỡ tôi đến Bệnh viện lao phổi Trung Ương khám và các bác sĩ còn ngạc nhiên bảo lao cột sống mà còn đi đứng được thế này cơ à?

Khoảng thời gian sau đó, bác sĩ và thầy cô đều khuyên tôi nghỉ để điều trị. Tôi nằm nhà 3 tháng, cảm thấy rất mông lung.

Mình lúc đó còn trẻ, tập luyện hơn 10 năm mới bắt đầu có thành tích, dừng lại sao đành. Nhưng nếu tập rồi lỡ có bị nặng hơn không vì bệnh này nếu vận động nặng có nguy cơ bị liệt.

Thôi thì chỉ biết kiên trì, kiên nhẫn, từ từ, tuân thủ đúng phác đồ điều trị, theo lịch là ra trạm y tế phường tiêm kháng sinh chống lao”, Phước Hưng tâm sự cùng Dân Việt.

Theo Phước Hưng, sau 5 tháng điều trị anh đã cảm thấy đỡ hơn rất nhiều: “Ngồi xe máy bị xóc không còn đau như trước nữa. Lúc đó rảnh rỗi tôi lại đi xe tới Quần Ngựa xem các em tập.

Ngứa nghề quá cũng vào ép dẻo, tập chút thể lực, rồi xin các thầy cho tập lại”, Phước Hưng chia sẻ.

8 tháng sau ngày điều trị, Hưng đã tập lại được. Tháng 9/2007 anh giành HCV giải toàn quốc và 3 tháng sau giành HCV SEA Games 2007. Ở Thái Lan năm đó, Hưng còn giành 2 HCB nữa và là người có thành tích tốt nhất của đội TDDC Việt Nam.

img

Phạm Phước Hưng được biết đến như một VĐV tài năng nhất của TDDC Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chương

“Tôi tập lại, thầy cô cũng lo lắm nhưng thấy tôi mê quá nên chịu! Chẳng có bác sĩ nào dám nói tôi có thể tập lại được đâu.

Mọi thứ cứ như một phép màu. Tôi chỉ biết cố gắng, kiên nhẫn hết sức như cách mình đã theo đuổi TDDC từ năm 7 tuổi và phải 10 năm sau mới có tấm HCV SEA Games đầu tiên năm 2005 (Philippines).

Có lẽ tính kiên trì đã ăn trong máu của VĐV chúng tôi, đặc biệt là VĐV TDDC rồi. Nếu không thế thì không thể theo nổi bởi tập từ nhỏ và thường thì 10 năm sau mới có thành tích quốc tế”, Phước Hưng bày tỏ.

Nhưng như thế đã hết đâu, năm 2013, một lần nữa số phận lại thử thách “chàng trai vàng” TDDC khi anh bị bệnh lao phổi.

“Cách đây 6 năm, tôi đi lại liên tục từ Từ Sơn về Nhổn vì bận học Đại học TDTT kết hợp với luyện tập, thi đấu.

Đi lại nhiều bị cảm, viêm họng. Tôi có uống kháng sinh đỡ chút lại thôi nên ho 3-4 tháng trời. Đến khi nặng quá, đi chụp các bác sĩ bảo mình bị lao phổi.

Thế là lại mất gần cả năm nữa để điều trị. Vì trước tôi đã bị lao cột sống, lần này bác sĩ chẩn đoán lao tái phát, phác đồ điều trị gấp đôi, tiêm suốt.

Nhưng may mà tôi vẫn duy trì tập luyện được. Tháng 4/2014, tôi còn phải mang thuốc kháng sinh đi thi đấu Cúp thế giới và giành HCB. Đến giữa năm 2014 thì khỏi”, Phước Hưng cho hay.

img

Sau giờ tập luyện hướng tới SEA Games 2019, Phạm Phước Hưng còn dồn tâm huyết phát hiện "ngọc thô" từ CLB “Phước Hưng Gymnastics” của mình. Ảnh: NVCC

Động tác vòng treo mang tên “Pham”

Có cảm giác như với Phước Hưng, sau mỗi lần vượt qua bệnh tật anh lại trở lại lợi hại hơn.

Bằng chứng là năm 2014, Hưng đã sáng tạo ra một động tác vòng treo mới nhưng vì nhiều lý do không tới được với Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới.

“Tại ASIAD 2014 (Incheon – Hàn Quốc), có 1 VĐV làm đúng ý như động tác do tôi nghĩ ra, họ đã đăng ký với Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới và được ghi danh.

Lúc đó tôi rất tiếc bởi là với VĐV TDDC, đặc biệt là các VĐV đẳng cấp, ai cũng ước mơ ít nhất 1 lần được ghi danh trong bảng luật thi đấu TDDC gắn với động tác đặc biệt do mình sáng tạo”.

Liên quan tới động tác khó mang đầy sức sáng tạo, dấu ấn cá nhân của mình, Phước Hưng cho biết thêm: “Thực tế, nhiều VĐV đã nghĩ tới những động tác khó, riêng biệt nhưng không phải ai cũng dám làm vì nó chứa đựng khá nhiều rủi ro về cả thành tích lẫn chấn thương.

Năm 2015, tôi quyết định thực hiện cho được ý tưởng của mình. Tôi đã thi đấu, quay clip, in ra đĩa, mô tả chi tiết động tác.

Lần này phải nhờ một trọng tài quốc tế người Hong Kong thì ý tưởng của tôi mới được đăng ký tới Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới và thành công.

Động tác vòng treo ấy giờ mang tên là “Pham”. Tôi cảm thấy tự hào về dấu ấn ấy trên đấu trường quốc tế. Nhờ nó, tôi cũng tự tin hơn nhiều trong sự nghiệp của mình”, Phạm Phước Hưng vui vẻ trải lòng.

Đến lúc này, ngoài 2 HCV, 1 HCB Cúp thế giới, 6 HCV (HCV gần nhất là HCV đồng đội SEA Games 2017 ở Malaysia – PV), 9 HCB và vài tấm HCĐ SEA Games cùng hàng chục huy chương các giải mời quốc tế, giải trong nước… Phạm Phước Hưng đã vinh dự 2 lần dự Olympic 2012, 2016.

img

Phạm Phước Hưng luôn lạc quan hướng về những mục tiêu phía trước mà gần nhất là SEA Games 2019. Ảnh: Nguyễn Chương

“Vừa rồi, tôi đã cố gắng để giành vé dự Olympic 2020 và cũng là kỳ Thế vận hội lần thứ 3 của mình nhưng không thành công.

Mục tiêu phía trước của tôi là cố gắng thi đấu tốt tại SEA Games 2019”, Phước Hưng nói về dự định gần nhất của mình.

“Phước Hưng Gymnastics” – nơi truyền cảm hứng!

Sau tất cả những gì mình đã đi qua, Phước Hưng bảo điều anh mong muốn là làm được một điều gì đó cho cộng đồng, giúp mọi người suy nghĩ tích cực hơn về TDDC nói riêng và thể thao nói chung.

“Trong tư duy của nhiều người, môn TDDC rất nguy hiểm nhưng theo quan sát của tôi trên mạng xã hội và thực tế tại các công viên, bãi đất ven sông… bây giờ có khá nhiều bạn trẻ tập các động tác xà kép, nhào lộn, trồng cây chuối như một VĐV TDDC đích thực.

Họ có năng khiếu, tố chất có thể coi là khá tài năng nhưng lại không có điều kiện tốt, an toàn để tập.

Đó là lý do tôi đã thành lập CLB “Phước Hưng Gymnastics” ở Nghi Tàm (Tây Hồ - Hà Nội) đến nay đã đi vào hoạt động được 2,5 năm”.

Phước Hưng cho rằng không chỉ trong thể thao mà mọi ngành nghề, khi bạn làm điều gì đó với đam mê thì sẽ không bao giờ cảm thấy mệt hay chán nản, vất vả gì cho dù điều kiện kinh tế, vật chất có khó khăn một chút:

“Tôi có tích lũy được một chút tiền trong sự nghiệp của mình và đã dành một phần để mở CLB này.

Tôi muốn mọi người nghĩ khác về thể thao. Tập luyện thể thao màng tới sự vui vẻ, thư giãn, giảm stress sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng chứ không hề mệt mỏi.

Một số VĐV taekwondo, wushu, đấu kiếm hay diễn viên múa, xiếc cũng cần tập thêm những động tác nhào lộn của TDDC”, Phước Hưng bộc bạch.

Sau tất cả, Phạm Phước Hưng cảm thấy vui những năm qua, không ít người trên cả nước đã kết bạn trên mạng xã hội và chia sẻ họ tìm thấy niềm tin, ý chí vượt qua bạo bệnh từ cách Hưng đã dũng cảm, kiên nhẫn đối mặt và thành công.

img

Phạm Phước Hưng cùng bà xã là diễn viên múa Ngô Khánh Linh vẫn thường xuyên luyện tập cùng nhau. Ảnh: NVCC

“Lúc này, TDDC phong trào đang rất phát triển. Cộng đồng mạng mê môn này khá đông và chúng tôi tìm được tài trợ cho các giải phong trào, tổ chức 3-4 giải/năm. Tháng 11 tới sẽ có giải đấu ở Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô.

Tôi cảm thấy hạnh phúc vì từ CLB của mình, nhiều bạn trẻ tài năng cũng đã tìm được những hợp đồng tài trợ, có thu nhập riêng của họ và quan trọng nhất là TDDC được lan tỏa, phổ biến rộng rãi hơn.

Với cá nhân, chính CLB “Phước Hưng Gymnastics” đã cho tôi đã gặp được “một nửa” của mình.

Cô ấy là một diễn viên múa và ban đầu chỉ tới CLB để học thêm các động tác nhào lộn bổ trợ. Giờ chúng tôi sống hạnh phúc và có con đầu lòng được 6 tháng.

Tôi nghĩ, nếu như thời điểm cách đây 2,5 năm, tôi không quyết định mở CLB này thì biết đâu sẽ chẳng gặp được cô ấy!

Cuộc sống cứ duyên như vậy! Điều quan trọng là ta có đủ niềm tin để thực hiện ước mơ”, Phạm Phước Hưng cười rạng rỡ khép lại cuộc trò chuyện cùng Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem