Nạn đấu giá phụ nữ trên mạng ở Ấn Độ: Nạn nhân hốt hoảng biết mình bị bán
Nạn đấu giá phụ nữ trên mạng ở Ấn Độ: Nạn nhân hốt hoảng biết mình bị bán
Phương Đăng (theo NY Times)
Thứ tư, ngày 05/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hiba Bég đang đi viếng mộ bà ở New Delhi, Ấn Độ vào cuối tuần thì nhận tin cô đã bị “rao bán” cho người trả giá cao nhất trên mạng - lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm.
Theo New York Post, nạn đấu giá phụ nữ trên mạng đang là cuộc tấn công mới nhất vào phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ.
Hiba Bég biết tin mình bị bán đấu giá trên mạng nhờ hàng chục cuộc gọi và tin nhắn thông báo từ bạn bè khi đang đi viếng mộ bà.
Tất cả mọi người đều chia sẻ cùng một ảnh chụp màn hình hồ sơ về cô ấy trên một ứng dụng đấu giá giả mạo có tên “Bulli Bai”.
Bég, một cựu nhà báo hoạt động năng nổ, tích cực trên mạng, không phải là nạn nhân duy nhất. Hơn 100 phụ nữ Hồi giáo nổi tiếng khác của Ấn Độ, bao gồm các nghệ sĩ, nhà báo, nhà hoạt động và luật sư đã phát hiện ra rằng hình ảnh của họ đang bị sử dụng để tạo hồ sơ đấu giá chính họ một cách trái phép trên ứng dụng Bulli Bai này.
Vào tháng 6, một ứng dụng đấu giá giả mạo tương tự, có tên là “Sulli Deals” từng xuất hiện. (Tên của 2 ứng dụng này đều là 2 thuật ngữ tiếng lóng xúc phạm phụ nữ Hồi giáo.) Ứng dụng tồn tại trong nhiều tuần và chỉ bị gỡ xuống sau khi các nạn nhân khiếu nại. Mặc dù cảnh sát đã mở một cuộc điều tra, nhưng không ai bị buộc tội trong vụ đó.
Không gian mạng ở Ấn Độ đầy rẫy những hành vi sai trái và quấy rối phụ nữ. Nhưng hai "ứng dụng đấu giá" phụ nữ trái pháp luật đã làm gia tăng mối quan ngại về bản chất có tổ chức của nạn bắt nạt trực tuyến và cách thức các hành động bôi nhọ, đe dọa bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục được thực hiện để cố bịt miệng phụ nữ, đặc biệt là những người chỉ trích một số chính sách của Thủ tướng Narendra Modi.
Cô Bég, 26 tuổi người đang theo học tại Đại học Columbia cho biết: “Những sự đe dọa nhằm mục đích buộc phụ nữ Hồi giáo lên tiếng phản đối sự bất công trong xã hội phải im lặng. Nhưng họ không lùi bước, ngay cả khi mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng".
Những phụ nữ khác bị bán trong “cuộc đấu giá” còn bao gồm Fatima Nafees, mẹ của một nhà hoạt động sinh viên đã mất tích hơn 5 năm trước và Hasiba Amin, một điều phối viên truyền thông xã hội.
Karti Chidambaram, một thành viên của Quốc hội Ấn Độ và lãnh đạo đảng đối lập chia sẻ, ông cảm thấy ghê tởm khi những kẻ chủ mưu dường như cảm thấy được khuyến khích vì chính phủ đã thiếu hành động trong vụ ứng dụng đấu giá trước đó.
Hôm thứ Hai (3/1), cảnh sát ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ cho biết họ đã mở cuộc điều tra và đệ đơn tố cáo hình sự đối với nhà phát triển ứng dụng, dựa trên đơn khiếu nại của một phụ nữ Hồi giáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.