Chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá năm 2018 là “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc lá và bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Một con số được đưa ra tại buổi Lễ được quan tâm nhất đó là: Nạn dịch thuốc lá toàn cầu hiện đang giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Gần 80% trong số hơn 1 tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu đang sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà đang phải gánh chịu phần lớn những hậu quả về bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá.
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân thứ hai gây ra các bệnh tim mạch, chỉ đứng sau nguyên nhân tăng huyết áp. 30% tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ việc tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá.
Mục tiêu của Ngày Thế giới Không Thuốc lá 2018 nhằm Làm nổi bật mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của việc hút thuốc chủ động và hút thuốc thụ động đối với sức khỏe tim mạch; Thúc đẩy công chúng, chính phủ và các tổ chức khác thực hiện cam kết bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách bảo vệ người dân khỏi hút thuốc và hút thuốc thụ động; Khuyến khích các nước tăng cường việc thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá trong gói MPOWER đã được kiểm chứng và là trọng tâm của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá WHO FCTC.
Trong năm qua, Công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực: Đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá; 90.8% người dân và 73,2% lãnh đạo đã nhận được các thông tin về PCTH thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tỷ lệ người hút thuốc lá đến cơ sở y tế được nhân viên tư vấn bỏ thuốc tăng 10,8%...
Theo mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2020, ngày 25.1.2013, của Thủ tướng Chính phủ: “Sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39% vào năm 2020, tức là giảm 6,3% so với năm 2015”.
Để đạt được mục tiêu quốc gia của chính phủ, và đồng thời giảm tỉ lệ mắc và tử vong do thuốc lá gây ra, ông Kidong Park- Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến cáo: mức thuế thuốc lá tại Việt Nam cần tăng ở mức tối thiểu 2.000đ/bao hoặc 5.000đ/bao.
Với mức thuế này tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm từ 3-6.3%, giúp tránh được trên 300.000 ca tử vong sớm do hút thuốc, đồng thời tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm trên 6.300 tỷ đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.