Cụ thể từ đầu năm 2014, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành khắp các tỉnh khu vực miền Trung. Chỉ trong 2 tháng kiểm tra (từ tháng 4 – 6), Chi cục Quản lý thị trường 7 tỉnh miền Trung đã kiểm tra 500 vụ và phát hiện 89 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, nhập lậu, không công bố tiêu chuẩn, nhiều vụ vi phạm liên đới qua nhiều địa phương…
Trên cả nước, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 131 vụ, thu phạt 1,32 tỷ đồng, thu giữ 110.442kg và 10.017 gói, chai phân bón các loại; chuyển cơ quan công an khởi tố 1 vụ sản xuất phân bón giả với số lượng 11.350kg tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; một vụ sản xuất phân bón giả trị giá 82,9 triệu đồng tại tỉnh Bình Dương…
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác đang là thách thức đối với ngành sản xuất phân bón và gây nhiều bức xúc cho người dân. Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng tới nhà sản xuất chân chính mà nghiêm trọng hơn còn khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân.
Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận là việc thanh tra, kiểm soát phân bón giả không hề đơn giản. Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, thì bằng mắt thường không thể phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng. Trong khi máy móc hỗ trợ nhận biết còn thiếu, chi phí mua mẫu kiểm tra cao trong khi lực lượng quản lý thị trường còn rất mỏng dẫn tới nhiều hạn chế, khó khăn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Nguyễn Hạc Thúy cũng phản ánh lâu nay việc kiểm tra mới chỉ tập trung vào điều kiện kinh doanh của các cơ sở sản xuất phân bón, nguồn gốc của các phân bón nhập khẩu, chưa đi sâu vào kiểm tra chất lượng, nên chiếm một lượng không nhỏ phân bón đang tiêu thụ trên thị trường bị thả nổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.