Nắng 40 độ C, công nhân ở Hà Nội chui gầm giường, đi sơ tán tránh nóng
Nắng 40 độ C, công nhân ở Hà Nội chui gầm giường, đi sơ tán tránh nóng
Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 17/05/2023 15:08 PM (GMT+7)
Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng 40 độ C khiến nhiều công nhân xây dựng ở tạm trong khu lán phải chui gầm giường hay sơ tán ra ngoài để tránh sốc nhiệt.
Trưa 17/5, cái nóng như sốc nhiệt khiến nhiệt độ tại ngôi lán trại tạm bợ ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội dường như không thay đổi so với nhiệt độ ngoài trời. Ngôi lán này thường ngày có 5 người sinh sống nhưng trưa nắng gắt nên 4 người rủ nhau sơ tán ra ngoài, tìm các gốc cây bóng mát nghỉ ngơi. Riêng anh Lang Văn Quý (quê huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) chui xuống gầm giường để tránh nóng, trông đồ đạc.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Quý chia sẻ, đã gắn bó với công việc xây dựng hơn 10 năm nay. Cuộc sống của anh đã quen với môi trường nắng, gió, mưa, lạnh, cảnh tạm bợ. Tuy nhiên, dưới cái nền nhiệt trong lán hừng hực hơn 40 độ C khiến anh Quý không thể chợp mắt sau quãng thời gian đi làm mệt nhọc.
Cuộc sống công nhân xây dựng bị đảo lộn, sơ tán vì nắng nóng. Clip: Gia Khiêm
"Mấy ngày nay nắng nóng chúng tôi thường bắt đầu công việc xây dựng từ 6h sáng đến 10h30 trưa thì nghỉ. Chiều bắt đầu công việc từ 15h đến gần 19h tối. Ở ngoài công trình nắng nóng cũng đã mệt nhọc rồi nhưng về lán nóng cũng không chịu được. Có 2 người đi làm phụ công trình bên cạnh, 2 người khác thì đi ra ngoài tìm gốc cây tránh nóng. Tôi ở lại đây trông nom đồ đạc. Nắng nóng quá tôi phải trải chiếu chui xuống gầm giường nằm xem điện thoại giết thời gian chứ không ngủ nổi", anh Quý nói.
Mỗi ngày công của anh Quý được khoảng 270.000 đồng. Công việc này phần nào giúp anh có thêm thu nhập gửi về phụ vợ chăm sóc gia đình, các con. "Vì cuộc sống mưu sinh nên chúng tôi phải cố gắng chứ biết làm sao được. Có quạt đấy nhưng càng quạt càng nóng. Tôi cảm thấy cái nóng không thể tả được, khó chịu lắm. Ấy vậy nhưng vợ con gọi điện không dám chia sẻ khó khăn gì vì sợ vợ con ở nhà lo lắng", anh Quý nói.
Ở cùng lán với anh Quý, anh Đinh Văn Khương tranh thủ về lán hút điếu thuốc rồi vội vã đi tìm nơi trú ngụ mát mẻ hơn. "Nóng quá không thể chịu được. Chúng tôi ở đây cử người thay nhau trông nom đồ còn lại đi tìm gốc cây, đi ra ngoài cho mát. Đi làm công nhân xây dựng làm sao ở nơi đẹp đẽ, mát mẻ được.
Khi làm xong công trình, cũng là lúc mình rời đi rồi. Công việc vất vả nhưng không làm thì không biết làm nghề gì khác. Tôi gắn bó với xây dựng hơn 20 năm, nếm trải đủ khó khăn rồi nên cũng dần quen", anh Khương tâm sự.
Cuộc sống sinh hoạt đảo lộn vì nắng nóng
Cách lán trại của anh Quý, anh Khương không xa là ngôi lán lợp tạm bằng tấm bạt của bà Phùng Thị Yến (SN 1965, quê huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Để tránh nóng bà Yến cùng em gái Phùng Thị Vực (SN 1967) liên tục lấy khăn ướt lau mặt, chân tay. Trưa bà cũng ngồi lướt điện thoại hết đọc báo rồi lại xem phim cho hết buổi trưa.
"Lán trại này có lúc đông là 13-14 người nhưng nắng nóng giờ chỉ còn 3, 4 người ở. Một số người di cư ra ngôi nhà đang xây ở cho đỡ nắng. Chị em chúng tôi là nữ nên ở lại đây thi thoảng cơm nước. Ở lán nóng lắm nhưng vẫn phải chịu khó chứ biết sao được", bà Yến chia sẻ.
Bà Yến trải lòng, ở quê quanh năm bám nương lúa, chăn nuôi nhưng khó khăn vô cùng. Cách đây 7 năm khi con gái út bước chân vào đại học bà cũng bắt đầu bước chân xuống Hà Nội đi làm phụ thợ xây ở các khu đô thị. Đến khi con gái học xong ra trường phần vì quen, phần vì về quê không có công việc bà quyết định bám trụ ở Thủ đô kiếm thêm thu nhập.
"Mỗi ngày công tôi được 270.000 đồng. Số tiền đó cũng đủ giúp tôi trang trải cuộc sống. Đợt này Hà Nội nắng gắt rất khó chịu, tối tôi không ngủ được. Không những thế ngày mưa lớn cũng mất ngủ vì tấm bạt bị trĩu xuống, thấm dột. Có lúc ướt sạch người. Vất vả là thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà", bà Yến nói thêm.
Trưa nóng, anh Phạm Văn Nguyên (SN 1982, quê huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cởi chiếc áo để lộ làn da đen sạm dạn dày sương gió. Anh Nguyên ngồi uống nước chè dưới bóng cây chờ đến chiều tiếp tục công việc. Nghề thợ xây gắn vó với anh Nguyên hơn 20 năm qua.
"Mình không học hành gì nên từ thời trai trẻ bắt đầu đi làm xây dựng, trưa không ngủ được nên vật vờ đến giờ đi làm. Làm nắng quá làm vất vả nhưng nghề của mình nên tôi cũng quen rồi. Chỉ sợ nhất làm mệt mà không được việc thôi", anh Nguyên trải lòng.
Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, ngày hôm nay (17/5), ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ như: TP. Hòa Bình 39.5 độ, Hà Đông (Hà Nội) 40.0 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 39.4 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 39.1 độ; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 43-55%.
Dự báo diễn biến nắng nóng trong 24 giờ đến 48 giờ tới: Ở Bắc Bộ ngày 18/5 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; ngày 19/5 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độcao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 40 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35-45%.
Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.