Nắng nóng kỷ lục ở Mỹ, người nghèo vật vã vì thiếu điều hòa không khí
Nắng nóng kỷ lục ở Mỹ, người nghèo vật vã vì thiếu điều hòa không khí
V.N (Theo AP)
Thứ ba, ngày 01/08/2023 19:46 PM (GMT+7)
Khi nắng nóng kỷ lục trên khắp nước Mỹ khiến hàng chục người thiệt mạng, khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ lộ rõ. Điều hòa không khí tưởng đơn giản, giờ là vấn đề sống còn với nhiều gia đình Mỹ. Các khu vực người da màu chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
Khi nhiệt độ ở Denver gần chạm mức ba con số, Ben Gallegos ngồi cởi trần trên hiên nhà, xua ruồi khỏi chân và dùng quạt phun sương để cố gắng vượt qua cái nóng. Gallegos, giống như nhiều người ở nhiều khu dân cư nghèo nhất của nước Mỹ, không có điều hòa nhiệt độ.
Người đàn ông 68 tuổi che cửa sổ bằng nệm xốp để cách nhiệt và ngủ trong tầng hầm bê tông. Ông biết nhiệt độ cao có thể gây say nắng và tử vong, và tình trạng phổi của của ông khiến ông dễ bị tổn thương hơn. Nhưng người thợ gạch nghỉ hưu đang trông cậy vào khoảng 1.000 USD một tháng phần lớn từ An sinh xã hội, nói rằng máy điều hòa là ngoài tầm với của ông. "Tôi mất khoảng 12 năm để tiết kiệm cho một thứ như thế" - ông nói.
Khi biến đổi khí hậu tạo ra những đợt nắng nóng kéo dài và nhiệt độ cao hơn hơn, phá vỡ nhiệt độ kỷ lục trên khắp nước Mỹ và khiến hàng chục người thiệt mạng, những người Mỹ nghèo nhất phải hứng chịu những ngày nóng nhất với ít biện pháp phòng vệ nhất. Điều hòa không khí, từng là một thứ xa xỉ, giờ là vấn đề sống còn.
Thành phố Phoenix bang Arizona đã trải qua chuỗi nhiệt độ cao kỷ lục hàng ngày trên 110 độ F (43,3 độ C), mãi đến hôm thứ Hai 31/7 mới có mưa, làm giảm nhẹ đợt nắng nóng nguy hiểm khiến miền Tây Nam nước Mỹ ngột ngạt trong suốt tháng 7.
Hôm qua người ta ghi nhận nhiệt độ lúc 15h "chỉ còn" 108 độ F (42,2 độ C), nhưng đợt hạ nhiệt này được dự báo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và nhiệt độ tiếp tục sẽ đạt mức 110 độ F vào cuối tuần, thậm chí tháng 8 có thể còn nóng hơn tháng 7.
Đến giờ ở Phoenix đã có 9 người chết trong nhà do không có máy điều hòa hoạt động hoặc điều hòa bị tắt. Năm ngoái, tất cả 86 trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt trong nhà đều ở trong môi trường không được làm mát.
Theo Kristie Ebi, giáo sư Đại học Washington, nhà nghiên cứu về nhiệt độ và sức khỏe, một khi đợt nắng nóng xảy ra, nguy cơ tử vong sẽ bắt đầu sau khoảng 24 giờ.
Theo một phân tích của Đại học Boston về 115 thành phố lớn của Hoa Kỳ, những người nghèo nhất và người da màu, từ Kansas đến Detroit đến New York và nhiều nơi khác, là những người phải đối mặt với cái nóng gay gắt nếu không có điều hòa.
Cate Mingoya-LaFortune của Groundwork USA, một tổ chức tư pháp môi trường, cho biết: "Sự khác biệt về nhiệt độ... giữa các khu dân cư có thu nhập thấp hơn, các khu dân cư của người da màu với các khu dân cư giàu có hơn, khu da trắng gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng. Có những hậu quả thực sự lớn như cái chết. ... Nhưng cũng có những tình cảnh khốn khổ".
Hàng tỷ USD từ quỹ liên bang đã được phân bổ để trợ cấp chi phí tiện ích và lắp đặt hệ thống làm mát, nhưng theo các chuyên gia, chúng thường chỉ hỗ trợ một phần nhỏ các gia đình dễ bị tổn thương nhất. Hơn thế một số tiện ích có chi phí trả trước quá cao. Lắp đặt một hệ thống bơm nhiệt tập trung để sưởi ấm và làm mát có thể dễ dàng lên tới 25.000 USD.
Hôm 27/7, Tổng thống Joe Biden đã công bố các bước chống lại cái nóng cực đoan. Ông nhấn mạnh việc mở rộng Chương trình hỗ trợ năng lượng cho gia đình có thu nhập thấp - chương trình này chuyển tiền đến các tiểu bang để giúp các hộ gia đình nghèo thanh toán hóa đơn tiện ích.
Michelle Graff, người nghiên cứu về trợ cấp tại Đại học Bang Cleveland, cho biết mặc dù chương trình này rất quan trọng, nhưng thực sự chỉ tiếp cận được khoảng 16% dân số đủ điều kiện của quốc gia. Gần một nửa số bang không cung cấp tiền quỹ liên bang để làm mát mùa hè.
Graff cho biết, lúc trời lạnh giá và hóa đơn sưởi ấm cao đã sinh ra thuật ngữ "sưởi ấm hoặc ăn," còn giờ đây người ta có thể nói "dùng điều hòa hoặc ăn", nghĩa là mọi người phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Khi nhiệt độ tăng, chi phí làm mát cũng tăng. Và ở các khu dân cư có thu nhập thấp của Mỹ thì nhiệt độ thường nóng hơn.
Sự chênh lệch này diễn ra trên toàn quốc. Các nhà nghiên cứu tại Đại học San Diego đã phân tích 1.056 quận và kết quả là trong hơn 70% khu vực đó, những nơi nghèo nhất và nơi có dân số da đen, Tây Ban Nha và Châu Á cao hơn sẽ nóng hơn đáng kể.
Theo một nghiên cứu của Viện Brookings, cứ 10 hộ gia đình ở Hoa Kỳ thì có một hộ gia đình không có điều hòa nhiệt độ. Chưa đến 4% hộ gia đình da trắng ở Detroit không có máy lạnh; con số này là 15% cho các hộ gia đình da đen.
Katrice Sullivan, một công nhân nhà máy 37 tuổi ở Detroit, cho biết trong ngôi nhà thuê của cô có điều hòa, nhưng cô vẫn chọn thời điểm bật để giảm hóa đơn tiền điện. Cô dội nước lên đầu, làm lạnh khăn để quấn quanh cổ và ngồi trong ô tô bật điều hòa. "Một số người ở đây chi từng đồng để mua thức ăn, vì vậy điều hòa không khí là thứ mà họ không thể mua được" - cô nói.
Ở khu vực Portland bang Oregon, đã có ít nhất 54 người chết trong đợt nắng nóng năm 2021, hầu hết là người già không có điều hòa nhiệt độ. Nhìn chung, các bang không có luật yêu cầu chủ nhà cung cấp hệ thống làm mát.
Trong Đạo luật giảm lạm phát liên bang, hàng tỷ USD được dành cho các khoản tín dụng thuế và giảm giá để giúp các gia đình lắp đặt hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng, nhưng nhiều khoản trong đó vẫn chưa có sẵn. Đối với những người không đóng thuế, các khoản tín dụng trên là vô giá trị.
Luật cũng đưa ra các loại giảm giá tại điểm bán hàng của tiểu bang và liên bang, nhưng với nhiều người, một hệ thống làm mát từ 20 - 25 nghìn USD là quá cao, và ngay cả khi được trợ cấp, họ cũng không đủ khả năng chi trả. Họ phải dùng đến những cách thô sơ như lắp rèm, mua quạt trần, lắp cửa sổ, nấu ăn bên ngoài, đến thư viện để được mát, thậm chí là làm ướt tóc hay cho con cái ăn kem.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.