Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng”

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 15/09/2020 08:37 AM (GMT+7)
LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã mở ra một thời kỳ mới khi quyết định đưa nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với riêng ngành nông nghiệp, ruộng đất được giao cho từng hộ nông dân, sức sản xuất được giải phóng... 3 năm sau, hạt gạo Việt lần đầu tiên đi ra thế giới.
Bình luận 0

Và hôm nay, hạt gạo Việt đang được tiếp sức để tiến xa hơn, vươn rộng hơn, mang lại giá trị lớn hơn, thực sự trở thành những "hạt vàng".

Bài 1: Khẳng định vị trí và uy tín với thế giới.

Đánh giá về quá trình phát triển và tái cơ cấu ngành lúa gạo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, đó là một trong những ngành hàng thực hiện tái cơ cấu thành công nhất, đưa Việt Nam vươn lên dành ngôi vị xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

1989 - gạo Việt ra khỏi lũy tre làng

Phải khẳng định, hạt gạo với người Việt không đơn giản là một loại ngũ cốc, nó là linh hồn, là văn hóa, là chứng nhân lịch sử của một chặng đường vượt qua đói nghèo vươn lên no ấm. Hạt gạo Việt - từ bát cơm cứu đói những năm 1945 đã trở thành loại nông sản mang về nhiều tỷ đô la cho đất nước.

Gạo Việt và bước tiến dài ra thế giới - Ảnh 1.

Dây chuyền đóng gói gạo đặc sản tại Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (tỉnh Ðồng Tháp). Ảnh: An Hiếu

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT):

Gạo Việt rất an toàn

"Trong những năm qua Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện giám sát trên diện rộng đối với mặt hàng gạo để đánh giá mức độ an toàn. Năm 2017 chúng tôi lấy 150 mẫu, năm 2018 lấy 169 mẫu nhưng không phát hiện mẫu nào có chất cấm, một số mẫu có tồn dư nhưng đều dưới ngưỡng cho phép.

Trong quá trình xuất khẩu, gạo Việt cũng nhận được sự đánh giá cao của các đối tác. Với số lượng xuất khẩu nhiều như vậy, việc sơ suất là khó tránh khỏi nhưng từ năm 2017 đến nay, chỉ có một lô hàng gạo bị EU cảnh báo, ngay sau đó, Bộ NNPTNT đã đề nghị các doanh nghiệp điều tra nguyên nhân, khắc phục".

P.V (ghi)

Lịch sử sẽ không bao giờ quên nạn đói năm 1945 diễn ra ở 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra. 

Trớ trêu thay, nạn đói khủng khiếp lại xảy ra chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng, với những cánh đồng cò bay thẳng cánh như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xót xa nhận định: Nạn đói nguy hiểm hơn chiến tranh, bởi trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp mất 1 triệu người, còn nạn đói hơn nửa năm ở Bắc Bộ đã khiến 2 triệu người Việt Nam tử vong.

Vượt qua những ngày tháng đau thương đó, khi đất nước độc lập, miền Bắc tiến lên phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, chỉ sau 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957), diện tích gieo trồng tăng 23,5%, năng suất lúa tăng 30,8%, sản lượng lương thực tăng 57%.

Đặc biệt, năm 1974, hai vụ lúa được mùa, sản xuất lúa cả năm của cả nước đạt 5.468.800 tấn (năm 1973 đạt 4.468.000 tấn). Năng suất bình quân một vụ lúa đạt 24,18 tạ/ha; có 9 tỉnh, 107 huyện và 4.226 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn thóc/ha ruộng hai vụ lúa. Thái Bình từ là địa phương có nhiều ngươi chết đói nhất, đã trở thành lá cờ đầu về năng suất lúa của miền Bắc: Đạt trên 7 tấn thóc/ha.

Gạo Việt và bước tiến dài ra thế giới - Ảnh 3.

Nông dân Thừa Thiên - Huế vui được mùa lúa. Ảnh: T.L

Nhưng phải đến Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), đường lối đổi mới của Đảng đã tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp, góp phần giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới liên tục từ năm 1989 đến nay. 

Năm 1989, hạt gạo Việt lần đầu tiên vươn ra thế giới với khối lượng 1,42 triệu tấn, đến nay, sau hơn 30 năm, lượng gạo xuất khẩu đã tăng gấp 5 lần.

Uy tín gạo Việt được khẳng định

Hành trình hơn 30 năm hạt gạo vươn ra thế giới không chỉ là nỗ lực vượt gian khó của nông dân với sự hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước mà còn là khẳng định uy tín của gạo Việt trên thị trường thế giới. 

Điều này được thể hiện rõ nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do dịch thì từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu gạo vẫn được coi là điểm sáng với sản lượng xuất khẩu tới 4,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan.

Cuối tháng 3/2020, khi Việt Nam chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo để xem lại tình hình cung - cầu trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines đã lập tức điện đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam xem xét lại việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng.

Bộ trưởng Tài chính Philippines cho rằng, Việt Nam là thị trường nhập khẩu gạo chính và vô cùng quan trọng của Philippines, vì vậy, chỉ cần một thay đổi nhỏ từ phía Việt Nam cũng sẽ khiến thị trường rối loạn. Ông đề nghị Việt Nam đưa Philippines ra khỏi danh sách tạm dừng xuất khẩu gạo.

 Tương tự, Hiệp hội Các nhà bán lẻ gạo ở Hongkong cũng gửi thông điệp đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo, bởi gạo Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn tại thị trường Hongkong...

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: Việt Nam không phải "một mình một chợ" trong xuất khẩu gạo. Chúng ta đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia. Nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy, không được sự coi trọng của nhiều thị trường nhập khẩu như vậy...

Những ngày đầu tháng 9/2020, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực được 1 tháng, gạo Việt lại liên tiếp đón tin vui khi có đến 9 loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu sang EU (Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào).

Theo ông Cường, hiện diện tích trồng lúa thơm tại các tỉnh vùng ĐBSCL hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy, tương đương khoảng 1 triệu ha, sản lượng ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. 

Trong khi đó, theo EVFTA, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, vì vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

 "Nếu thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam" - ông Cường khẳng định.

Việc được hưởng ưu đãi thuế quan sang EU đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho gạo Việt, sau những nỗ lực bền bỉ thực hiện quá trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng. "Khối lượng 30.000 tấn chưa phải là lớn nhưng là tín hiệu đáng mừng, nếu người dân, doanh nghiệp làm tốt, kiểm soát tốt chất lượng đáp ứng các yêu cầu của đối tác, được người dân châu Âu chấp nhận thì tôi tin chắc chắn hạn ngạch sẽ tăng" – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem