Đề xuất 2 phương án
Theo giải trình của Bộ LĐTBXH, để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và cụ thể hóa nội dung đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban cán sự Đảng Chính phủ, để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, đảm bảo góp phần ổn định chính trị - xã hội, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu được đề xuất điều chỉnh tăng dần cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2021 (ảnh minh họa). V.T
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam). Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ khoảng 54 tuổi, trong đó nam khoảng 55 tuổi và nữ là gần 53 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chỉ chiếm khoảng 40,5%, số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 50%...
Theo lộ trình, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 này và thông qua tại kỳ họp tháng 10. |
Phương án 1: Từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), thành viên tổ soạn thảo bộ lật sửa đổi cho biết, việc đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.
Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, tỷ lệ số người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019). Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng (tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi, và cả hai giới tính là 76,6 tuổi - cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi).
Theo Ban soạn thảo, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần tuổi nghỉ hưu (tăng chậm) để tránh gây "sốc" cho thị trường lao động và có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
Giảm tác động tới quỹ lương hưu
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, những đề xuất sửa đổi về tăng tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế, xã hội mà còn bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.
Còn theo ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, sau nhiều lần đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu nhưng bất thành, lần này Bộ LĐTBXH đã chuẩn bị rất kỹ bản giải trình và đánh giá tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu tới các vấn đề kinh tế xã hội. “Sau nhiều lần xây dựng phương án, tôi cho rằng việc tổ soạn thảo trình 2 phương án là phù hợp, giúp tránh sốc cho người lao động vì không áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu ngay” - ông Huân phân tích.
Mặc dù cho rằng đã đến thời điểm chín muồi để tính việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng cần quan tâm hơn tới người lao động trực tiếp, công nhân làm ngành nghề đặc biệt. “Theo tôi nên sửa đổi cơ chế chính sách BHXH theo hướng được phép lựa chọn hưởng linh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho người lao động” - ông Quảng kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.