|
Giàn khoan khổng lồ vẫn đang hoạt động hết công suất để cứu các thợ mỏ. |
CNN cho biết, những chuyên gia chăm sóc thể chất và tinh thần tài giỏi nhất của NASA ngày 2-9 đã tới hiện trường vụ sập mỏ và quan sát các nỗ lực giải cứu của lực lượng cứu hộ Chile. Mặc dù những đoạn video gần đây quay cảnh sinh hoạt của các thợ mỏ dưới lòng đất cho thấy họ vẫn khỏe mạnh và lạc quan, tuy nhiên do quá trình giải cứu sẽ mất từ 3 - 4 tháng nữa nên nhà chức trách Chile đã cầu viện đến các chuyên gia của NASA – những người thường xuyên chăm sóc sức khỏe các nhà du hành vũ trụ.
Công tác đào hầm giải cứu cũng được tiếp tục sau khi tạm gián đoạn hôm 1-9 vì các kỹ sư cần gia cố một bức tường dưới mỏ để tránh nguy cơ gây sụp đổ thêm. Dự kiến mất từ 90-120 ngày đường hầm mới được hoàn thành.
Ông Michael Duncan, người đứng đầu nhóm chuyên gia NASA cho biết, nhóm tư vấn của ông đã có nhiều năm đối phó với các môi trường bị cô lập và thu được những kinh nghiệm quý giá trong việc nâng cao sức lực và tâm lý. Theo ông Duncan, điều kiện sống sót trong không gian cũng tương tự như dưới lòng đất, nên 33 thợ mỏ bị mắc kẹt có thể sẽ cần đến tư vấn của NASA.
Trong khi đó, nhóm thợ mỏ Chile kẹt dưới lòng đất tại Copiapo đã nhận được bữa “ăn tươi” đầu tiên sau 27 ngày. Thịt viên, thịt gà và cơm được đưa xuống độ sâu khoảng 700m qua một đường ống cho 33 thợ mỏ. Trước đó, các nạn nhân vẫn chưa thể hấp thụ thức ăn đặc vì bị đói quá lâu và chỉ cầm cự bằng cách uống viên dinh dưỡng. Các đoạn băng mới nhất cho thấy tình trạng nhóm thợ mỏ đang khá dần lên. Họ tắm rửa, cạo râu sạch sẽ, mặc quần áo mới và có thể nghe nhạc hoặc chơi bài.
Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich cho biết, các thợ mỏ được chia thành nhóm 4 người và mỗi nhóm có “nhiệm vụ” riêng, chẳng hạn như một nhóm lo nhận thức ăn, nước uống, thuốc men… từ mặt đất đưa xuống, nhóm khác coi sóc các thanh cột chống hầm. Một thợ mỏ sẽ quản lý giờ giấc ăn uống của mọi người, trong khi người khác phải chịu trách nhiệm nhắc nhở cả nhóm uống thuốc đúng giờ. Nhờ có chiếc đồng hồ báo thức mới được đưa xuống, các thợ mỏ hiện không còn phải ước lượng thời gian giữa ngày và đêm như ban đầu.
Hiện chiếc máy khoan đất khổng lồ nặng hơn 35 tấn vẫn đang hoạt động hết công suất để chạy đua với thời gian. Bộ trưởng Manalich ước tính sẽ phải mất từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ để đưa mỗi thợ mỏ lên mặt đất. Khi máy khoan đào được lối thoát có đường kính 66 cm, đội cứu hộ sẽ phải mất hơn 3 ngày để giải cứu toàn bộ số thợ mỏ bị mắc kẹt. Ông Manalich cũng thừa nhận rằng, nhiệm vụ khó khăn nhất mà ông đang phải đối mặt là duy trì sự sống cho các thợ mỏ trong thời gian dài sắp tới.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.