Cưới vợ xong là được… nghỉ
Tháng 4.2016, Tòa án nhân dân huyện Mường Tè xét xử lưu động đối với đối tượng Vàng Hà Chừ, dân tộc La Hủ, ở xã Pa Vệ Sủ vì tội giết người. Chỉ vì uống rượu, mất tỉnh táo, Vàng Hà Chừ ghen tuông với chồng cũ của vợ. Hai vợ chồng to tiếng, trong lúc bực tức, Chừ đã dùng tay đấm vào mặt, vào người vợ là chị Lý Xá De. Sau đó, Chừ dùng chân đạp vào bụng, ngực chị De. Đến khi chị De kêu lên và nằm bất tỉnh, Chừ mới dừng lại và hô lên là vợ bị cảm. Thấy vậy một số người cạnh nhà đưa chị De đi kéo cảm nhưng không thấy biểu hiện gì, kiểm tra thì phát hiện chị De đã tử vong. Chừ bị kết án 20 năm tù vì tội giết người.
Một buổi lồng ghép tuyên truyền về bạo lực gia đình ở xã Ka Lăng, Mường Tè, Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Lê
Từ năm 2013, Hội Phụ nữ huyện Mường Tè đã xây dựng kế hoạch hành động phòng chống BLGĐ bằng cách đẩy mạnh hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những gia đình có nguy cơ cao về tình trạng BLGĐ trên địa bàn được khuyến khích cho vay vốn ngân hàng, được hướng dẫn sử dụng đồng vốn hiệu quả. Có việc làm, tăng thu nhập, cảnh vợ chồng đánh cãi nhau cũng hạn chế hơn”.
Bà Vàng Thị Thu
|
Bà Vàng Thị Thu cho biết: Năm 2015 cũng xảy ra một trường hợp, người chồng dân tộc Mảng, ở xã Vàng San cũng do say rượu, mất tỉnh táo đã chém vợ 21 nhát.
Theo bà Thu, nguyên nhân gốc rễ của nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) chủ yếu do hạn chế về trình độ dân trí; tư tưởng lạc hậu trọng nam, khinh nữ; phụ nữ phải phục tùng nam giới; thiếu hiểu biết về pháp luật; nhận thức sai lệch về vai trò, vị trí người phụ nữ trong gia đình là phải gánh vác mọi việc... “So với dưới xuôi, phụ nữ miền núi vất vả và cam chịu hơn nhiều. Việc đi nương, đi rẫy, hay làm những công việc nặng nhọc đối với phụ nữ được coi là một thói quen và có thể gọi đó là một tập tục lâu đời. Vẫn còn nhiều người quan niệm chồng được nghỉ ngơi sau khi đã “bỏ tiền cưới vợ” và người vợ phải làm lụng tất cả các công việc trong gia đình. Kèm theo đó là thói quen sử dụng rượu triền miên của một bộ phận đàn ông dân tộc thiểu số không còn tỉnh táo. Sẵn tính hung bạo, gia trưởng với vợ, những người đàn ông uống rượu vào càng đánh đập vợ dữ dội, tàn bạo hơn. Ngoài ra, người vợ lại lặng lẽ cam chịu dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng” – bà Thu nhận định.
Quy ước “không bạo lực”
Bà Thu chia sẻ, để phòng chống BLGĐ hiệu quả cần hiểu rõ địa bàn cũng như phong tục tập quán của bà con. “Ở chi hội nào có vấn đề BLGĐ xảy ra, họ báo, chúng tôi cũng tới nhà trao đổi một cách tế nhị, hỏi thăm sức khỏe chứ không nói thẳng về vấn đề BLGĐ. Mình tâm sự với họ thì họ chia sẻ với mình, qua đó mình giúp chị em nắm được việc chồng đánh vợ, hay vợ đánh chồng là vi phạm pháp luật, phải phạt tiền, thậm chí phạt cải tạo, phạt giam giữ. Điều đáng mừng là nhờ sự vào cuộc vận động của chính quyền địa phương mà trực tiếp là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân nên bước đầu, những ông chồng cũng đã chia sẻ công việc nặng nhọc với người vợ và nạn uống rượu say xỉn cũng đã ít xuất hiện” – bà Thu chia sẻ.
Ông Lý Đại Khai – Phó Bí thư chi bộ bản Ma Lé, xã Mù Cả lại lồng ghép tuyên truyền về phòng chống BLGĐ bằng cách họp dân đưa các quy định nghiêm cấm tình trạng chồng đánh vợ hay vợ đánh chồng vào quy ước của bản. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt nặng. Từ khi đưa vào quy ước, người dân cũng bắt đầu chú ý hơn đến hành vi của mình, hạn chế để xảy ra đánh đập, cãi vã trong gia đình. “Trong các dân tộc anh em, có lẽ phụ nữ Hà Nhì là vất vả nhất. Mỗi ngày họ thường phải lao động từ 15 – 18 giờ. Hết đi lên nương lại lên rừng địu củi. Trong khi đàn ông Hà Nhì chỉ làm một số việc như làm ruộng, làm nhà. Bây giờ đã tiến bộ hơn nhiều rồi, đàn ông và đàn bà cùng nhau chia sẻ việc nhà. Chẳng hạn việc đi lấy củi, bình thường chị em sẽ tự mình lên núi từ sáng sớm, đi mấy cây số để mang củi về nhà. Nhưng giờ đường sá thuận tiện hơn, vợ chỉ cần nhặt củi ra gần quốc lộ, chồng sẽ ra đón chở cả vợ và củi về nhà. Việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng đã có sự thay đổi rất lớn trong tư duy của người dân” – ông Khai cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.