Sau khi Quan Vũ qua đời, vì muốn báo thù cho Quan Vũ, Lưu Bị đã quyết định thân chinh thống lĩnh quân đội thảo phạt Đông Ngô. Nhưng trong trận đánh quan trọng nhất tại Di Lăng, Lưu Bị thất bại khiến cho toàn quân gần như bị tiêu diệt.
Sau khi rút lui, sức khỏe của Lưu Bị cũng ngày một suy yếu, sau cùng mất tại Bạch Đế thành, còn nhà Thục Hán cũng bắt đầu rơi vào con đường suy tàn.
Có thể nói, trận Di Lăng chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng với Thục quốc, nếu như nước Thục không tham chiến tại trận Di Lăng thì liệu mọi thứ có thay đổi không? Thục quốc liệu có thể trì hoãn thời gian suy tàn lại hay không?
Công nguyên năm 221, Lưu Bị chiếm cứ đất Ba Thục, đăng cơ xưng đế, thành lập chính quyền nhà Thục Hán. Cũng cùng năm ấy, Lưu Bị tuyên bố muốn báo thù cho Quan Vũ, bất chấp mọi lời can ngăn của quần thần, nhất quyết tự mình thân chinh thảo phạt Đông Ngô.
Mặc dù trước khi chiến tranh nổ ra, Tôn Quyền cũng đã lập tức đưa thư đến cầu hòa, giai đoạn đầu, Lưu Bị chiếm được nhiều ưu thế hơn, nhưng sau đó, Tôn Quyền phong cho Lục Tốn làm chủ soái, lúc đầu dụ địch vào sâu trong lãnh địa, sau đó dùng lửa hỏa thiêu 700 dặm liên trại của Lưu Bị, đánh cho Lưu Bị tháo chạy tan tác.
Trong trận chiến này, Lưu Bị mất đi hai vị mưu sĩ là Mã Lương và Bàng Lâm, cùng các tướng là Phó Dung, Phùng Tập, Trương Nam, quân mã cũng bị tổn thất quá nửa.
Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim.
Nhưng đó vẫn chưa phải tổn thất nặng nề nhất, mà phải kể đến Đại tướng Hoàng Quyền, người từng cùng Pháp Chính bày kế lập mưu, giúp Hoàng Trung có thể dễ dàng chém đầu Hạ Hầu Uyên, bởi vì trên đường quay về Hoàng Quyền gặp phải quân Ngô, tình thế không thể thoát nên đã dẫn quân đầu hàng thế lực Tào Ngụy.
Nhiều người cho rằng, Lưu Bị không nghe quần thần can ngăn, kiên quyết muốn phát động trận Di Lăng, đã làm mất hết vốn gốc của Thục Hán, thậm chí có người cho rằng, nếu Lưu Bị không phát động trận Di Lăng, mà chấp nhận lời cầu hòa của Tôn Quyền ban đầu, dùng cách đàm phán, lấy lại địa bàn Kinh Châu, thì đã có thể lần nữa thực hiện lại Long Trung đối sách, dựa vào thế lực của Kinh Châu và Ích Châu, thống nhất thiên hạ.
Nhưng sự thực có thật như vậy không?
Nếu khi ấy Lưu Bị không nhất quyết tự mình xuất chinh, liệu có thực sự thực hiện được mục tiêu cuộc đời mình là "lấy lại Kinh Đô cũ, phục hung nhà Hán" không? Nếu như Lưu Bị không phát động chiến tranh ở Di Lăng, liệu có thể thống nhất thiên hạ hay không?
Theo quan điểm của chuyên trang Qulishi (Trung Quốc), câu trả lời là không thể vì một số lý do sau đây:
1. Tôn Quyền chắc chắn sẽ không trả lại Kinh Châu
Trong trận Xích Bích, mặc dù cùng nhau chống lại Tào Tháo, kết liên minh Tôn Lưu, nhưng Lưu Bị lại giống như mọi việc không liên quan đến mình, Lưu Bị dành phần lớn lực lượng và quan tâm cho việc bình định bốn quận Kinh Châu.
Hình ảnh nhân vật Tôn Quyền trên phim.
Hơn nữa, Lưu Bị không những không tự mình ra trận, lại lén lút hưởng lợi phía sau, sau khi Chu Du đánh được Nam quận, lấy cớ rằng "địa bàn của mình không đủ an dân", muốn mượn Nam quận.
Dưới sự thuyết phục của Lỗ Túc, vì muốn duy trì liên minh Tôn Lưu, cùng Lưu Bị chống lại Tào Tháo nên Tôn Quyền đã đồng ý cho Lưu Bị mượn Nam quận.
Về sau, Lưu Bị chiếm được Ích Châu, nhưng lại không muốn trả lại địa bàn Nam quận mình đã mượn của Tôn Quyền, khiến hai bên suýt chút nữa đã khai chiến. Đến khi Lã Mông tự mình đưa quân lấy lại được ba quận (là Trường Sa, Linh Lăng và Quế Dương) thì hai bên mới làm hòa, địa bàn mà Lưu Bị bị đoạt mất cũng không thể lấy lại.
Phải đến trận Tương Dương – Phàn thành, Tôn Quyền mới ra tay lần nữa, nguyên do không phải để lấy lại địa bàn đã bị Lưu Bị mượn mất mà là vì ông không muốn ngồi yên nhìn thế lực của Lưu Bị ngày càng lớn mạnh.
Vì suy cho cùng Tôn Quyên cũng là vị quân chủ có chí lớn, không cam chịu ngồi yên một góc, việc Lưu Bị phát triển thành thế lực ngang hàng với Tào Tháo, thậm chí còn có thể lớn mạnh hơn, đối với Tôn Quyền cũng không phải chuyện tốt.
Cho nên, Tôn Quyền nghe theo lời khuyên của sứ giả Ngụy quốc là Mãn Sủng, cử Lã Mông giả dân thường vượt sông.
Mặc dù trước khi trận Di Lăng diễn ra, Tôn Quyền từng chủ động cầu hòa nhưng chắc chắn sẽ không cam chịu trả Kinh Châu lại cho Lưu Bị. Chính vì thế, nếu Lưu Bị muốn lần nữa lấy được Kinh Châu thì chỉ có cách duy nhất là đánh thắng rồi lấy lại, nếu không thì Long Trung đối sách cũng không thể thực hiện được.
Muốn lần nữa lấy được Kinh Châu, Lưu Bị chỉ có cách duy nhất là đánh thắng Tôn Quyền rồi lấy lại, nếu không Long Trung đối sách cũng không thể thực hiện được.
2. Tào Ngụy đề phòng với Lưu Bị
Nếu như Lưu Bị không thảo phạt Đông Ngô, muốn thống nhất thiên hạ, chỉ có thể dẫn quân Bắc phạt.
Nhưng trong những lần Gia Cát Lượng Bắc phạt, chỉ có lần đầu tiên là thuận lợi nhất, nguyên nhân chính là do, khi Lưu Bị còn sống, Gia Cát Lượng chưa từng tham gia việc quân, nên Tào Ngụy mới không đề phòng ông.
Nhưng với Lưu Bị lại khác, Lưu Bị từng là đối thủ được Tào Tháo công nhận, cho nên chỉ cần Lưu Bị còn sống, Tào Ngụy chắc chắn không buông lỏng phòng bị, vì thế Lưu Bị muốn giành được thắng lợi lớn khi Bắc phạt thì lại là khó càng thêm khó, còn muốn thôn tính Ngụy quốc lại càng là ý nghĩ viển vông.
3. Trong trận Di Lăng, những tổn thất của Lưu Bị về binh mã, nhân lực cũng chẳng ảnh hưởng đến chuyện Bắc phạt
Mặt khác, tuy rằng trong trận Di Lăng, Lưu Bị đã để tổn thất lượng lớn binh mã cùng một số quan văn, tướng võ nhưng những danh tướng thực sự của Thục Hán cùng với sự ra đi của các mưu sĩ tài giỏi đa phần đều chẳng liên quan gì đến trận Di Lăng.
Binh mã Lưu Bị tổn thất, đến thời điểm Gia Cát Lượng đưa quân Bắc phạt cũng đã trải qua 5 năm nghỉ ngơi hồi sức, đã được bồi dưỡng lại như xưa, mà liên minh Tôn Lưu đến khi ấy cũng đã được nối lại.
Nhưng Thục Hán vẫn không thể thể thống nhất Tam quốc, có thể thấy rằng, dù cho ban đầu không có trận Di Lăng kia thì Lưu Bị cũng khó tránh được kết cục "Xây nghiệp lớn không thành, sụp đổ giữa chừng".
Qua bài phân tích này, chúng ta biết được rằng, mặc dù việc Lưu Bị độc đoán, tự làm theo ý mình, nhất quyết đưa quân thảo phạt Đông Ngô là một kế sách, chiến lược không đúng đắn, hành động này của Lưu Bị đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Thục Hán, nhưng cho dù khi ấy ông không tự làm theo ý mình, thì nhà Thục Hán cũng không thể thống nhất Tam quốc, việc này là sự thật không cần tranh cãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.