Trước khi bước vào một cuộc hôn nhân, chúng ta đừng nên chỉ nghĩ đến những gì tuyệt vời mà hãy suy nghĩ nhiều hơn về những khó khăn có thể phải đối mặt. Ví dụ, những người trẻ tuổi thường đầu tiên nghĩ đến tha hồ âu yếm vì có quá nhiều cơ hội ở bên nhau.
Không ít đôi cãi nhau như "mổ bò" ngay tuần đầu tiên chung sống (Ảnh minh họa IT)
Nhưng qua thời gian, niềm vui thú đó giảm dần trong khi các vấn đề của cuộc sống hàng ngày lại nổi lên đòi hỏi phải giải quyết. Nếu có một đứa trẻ ra đời còn rắc rối hơn nhiều. Gia đình không chỉ có niềm vui, đó còn là một khối lượng lớn những trách nhiệm! Vì vậy, bạn nên nhìn thấy trước mình đã sẵn sàng để kết hôn chưa?
Khác nhau về lối sống
Nếu hầu hết các buổi tối, bạn vẫn thích đàn đúm với bạn bè hay cắm đầu vào lap-top trò chuyện từ xa, hoặc vệ sinh cá nhân và trang điểm, chăm sóc da mặt và sơn sửa móng chân móng tay hơn là ngồi trò chuyện với chồng, thì rất có thể bạn chưa sẵn sàng cho cuộc sống có chồng. Cũng thế, nếu một người đàn ông thường xuyên sau khi tan sở thích la cà ở quán bia hơn trở về nhà, hoặc đánh ten-nit, hay cá cược bóng đá chẳng hạn thì bạn cũng rơi vào tình trạng đó.
Trần Mạnh 28 tuổi, kỹ sư phần mềm ở Hà Nội tâm sự: "Làm việc xong, tôi về nhà ngay nhưng gần như không bao giờ thấy vợ ở nhà. Cô ấy còn đi chơi với bạn gái ở đâu đó. Rõ ràng là với cô ấy, họ thú vị hơn tôi. Có khi cô ấy còn đi du lịch với hội bạn mà không có tôi. Tôi đã đệ đơn xin ly hôn".
Tất nhiên, không ai yêu cầu bạn không được giải trí và giao tiếp với bạn bè. Nhưng nếu điều này ngốn mất quá nhiều thời gian và chồng hay vợ bạn bị “ra rìa” thì cái tế bào gia đình của bạn khó có thể tồn tại. Ý nghĩa của hôn nhân là để được sống cùng nhau chứ không phải ai sống theo ý thích của người ấy. Bạn chưa sẵn sàng kết hôn đâu!
Hôn nhân là trách nhiệm
Nếu bạn thích sống ở nhà riêng của bạn, chứ không thích sống chung với cha mẹ anh ấy, và bạn không thích làm việc nhà, không muốn nấu bữa tối, vì ăn xong lại phải rửa bát. Bạn chỉ thích ăn cơm hàng hay mua cơm hộp về ăn cho tiện? Bạn hãy suy nghĩ đi, có nên kết hôn không ? Nếu “nửa kia” của bạn cũng thích thế thì cả hai cùng chưa sẵn sàng. Cuộc sống độc thân hợp với họ hơn.
Anh Quang 32 tuổi, nhân viên ngân hàng chia sẻ: “Sau khi kết hôn, tôi vẫn phải tự nấu ăn, bởi vì vợ tôi nói rằng cô ấy không có thời gian làm việc đó. Khi tôi cố gắng thuyết phục vợ vào bếp cùng nhau, cô ấy trả lời rằng nếu anh muốn có người nấu ăn cho anh thì anh nên thuê người giúp việc. Cuối cùng, chúng tôi chia tay”.
Đàn ông không nhất thiết phải biết sửa máy bơm nước hay chữa điện, nhưng nếu thay vì cùng vợ đi siêu thị, bạn thích chơi game hay đánh cờ hơn, thì đó là tín hiệu bạn chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình. Cần có sự bàn soạn ai làm gì trong nhà, tốt nhất là thỏa thuận trước để tránh xung đột sau. Đừng vì thấy người ta kết hôn thì mình cũng kết hôn nhưng vẫn sống y nguyên như khi còn độc thân.
Hôn nhân cần có sự chia sẻ trách nhiệm, tài chính từ hai phía (Ảnh minh họa IT)
Tài chính
Nếu bạn nghĩ ai tiêu tiền của người ấy, giống như trước đây bạn sống một mình thì đó không phải là dấu hiệu tốt cho hôn nhân. Chị Thu Thủy, 27 tuổi, giáo viên trung học thú nhận: "Tôi hy vọng sau khi kết hôn, anh ấy sẽ đóng góp tài chính nhiều hơn, bởi vì lương tôi thấp hơn anh nhiều. Nhưng sáu tháng hôn nhân, anh ấy không hề mua sắm bất cứ cái gì cho cuộc sống chung. Một vài lần tôi hỏi anh đưa tiền mua đồ dùng trong nhà, anh ấy trả lời không có. Trong khi đó anh mới sắm cho mình một chiếc smarphone đắt tiền mà không bàn soạn gì với tôi cả. Tôi không có cách gì hơn là chia tay”.
Nếu bạn sắp chung sống với nhau, bạn cần thảo luận về vấn đề tài chính. Ngoài số tiền chi tiêu cho riêng mình, bạn phải chung nhau thanh toán các hóa đơn dịch vụ tiện ích, tích lũy để mua sắm đồ dùng. Còn nếu bạn chỉ thích có một ngân quỹ riêng mà người bạn đời không có quyền can dự thì bạn cần suy nghĩ xem lập gia đình có sớm quá chăng?
Nói chung trong hôn nhân, chúng ta phải xem xét không chỉ lợi ích riêng của mình mà phải đáp ứng được nhu cầu của đối tác. Nếu bạn rơi vào một trong ba điều trên đây thì bạn chưa sẵn sàng kết hôn và giải pháp tốt nhất là nên … đợi!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.