Video quân đội Nga diễn tập bắn tên lửa phòng không S-300
Ngày 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Iran, và chuyến hàng đầu tiên có thể được chuyển tới Iran trong thời gian ngắn để giúp nước này kiểm soát bầu trời trước bất cứ nguy cơ bị không kích nào.
Quyết định trên của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh Tehran vẫn đang tiếp tục đàm phán với Mỹ và 5 cường quốc khác về việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh cấm vận của phương Tây.
Một hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga
Tên lửa S-300 là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay, với khả năng đánh trúng nhiều mục tiêu cùng một lúc, và thường được phóng lên từ bệ phóng di động gắn thẳng đứng sau xe tải, nâng cao khả năng cơ động của nó trong tác chiến.
Theo các dữ liệu do Liên hiệp Các nhà khoa học Mỹ chuyên nghiên cứu về vấn đề an ninh quốc gia công bố, loại tên lửa này có thể dễ dàng bắn trúng các loại máy bay và tên lửa bay ở độ cao 25,7 km.
Năm 2007, Nga đã ký hợp đồng trị giá 800 triệu USD bán tên lửa S-300 cho Iran, tuy nhiên lô hàng này đã bị ngừng lại sau khi vấp phải sự phản đối của Mỹ và Israel khi hai nước này cho rằng Tehran có thể sử dụng chúng để bảo vệ các cơ sở hạt nhân.
Hôm qua, các quan chức Nga khẳng định rằng việc đưa các hệ thống S-300 tới Iran sẽ không ảnh hưởng gì tới tình hình an ninh trong khu vực.
S-300 có thể giúp Iran dễ dàng thống trị bầu trời
Nhật báo Ynetnews của Israel cũng tuyên bố rằng việc Nga trang bị tên lửa S-300 cho Iran cũng sẽ không ảnh hưởng lớn đến khả năng mở các cuộc không kích quân sự của Israel và các nước khác nhắm vào cơ sở hạt nhân của Iran.
Ynetnews cho rằng quân đội Iran sẽ phải mất một thời gian khá lâu mới có thể sử dụng thuần thục loại vũ khí phòng không đáng sợ này, và cho tới lúc đó, Israel và các đồng minh thừa thời gian thực hiện các kế hoạch quân sự của mình.
Năm 2013, Nga cũng đã có kế hoạch bán tên lửa S-300 cho Syria, nhưng kế hoạch này bị hủy bỏ do sức ép của Mỹ và phương Tây. Lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng việc trang bị S-300 cho Syria sẽ làm kéo dài cuộc xung đột ở đát nước này, đồng thời làm phức tạp hóa bất cứ nỗ lực thiết lập vùng cấm bay nào trên vùng chiến sự.
Thời điểm đó, các quan chức Israel cũng đe dọa rằng nếu Nga bán S-300 cho Syria, họ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để đảm bảo rằng các tên lửa này sẽ không thể sử dụng được ở Syria.
Trí Dũng (Theo AP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.