Ngày 4/3, Hội đồng An ninh Nga đã lên tiếng tố cáo Mỹ âm mưu lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách hỗ trợ tài chính cho phe đối lập và xúi giục các cuộc biểu tình quy mô lớn trong chưa đầy một tuần sau khi một lãnh đạo đối lập Nga bị ám sát gần điện Kremlin.
Ông Nikolai Patrushev, Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho hay Mỹ đang cung cấp tài chính cho các nhóm chính trị Nga dưới hình thức phát triển xã hội dân sự, giống như những gì đã diễn ra trong những cuộc “cách mạng màu” ở các nước hậu Xô Viết và Arab trước đây.
Cũng theo ông Patrushev, Mỹ đồng thời còn sử dụng những lệnh cấm vận áp đặt với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine làm “cái cớ” để gây thiệt hại về kinh tế và gieo rắc bất mãn trong xã hội Nga.
Ông Nikolai Patrushev, Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga
Hôm Chủ nhật, hơn 50.000 người đã tụ tập ở trung tâm thủ đô Moscow để tưởng niệm ông Boris Nemtsov, cựu phó thủ tướng Nga dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin và hiện là lãnh đạo phe đối lập ở Nga. Ông Nemtsov bị một kẻ lạ mặt bắn nhiều phát vào người khi đang đi bộ trên một cây cầu ở gần điện Kremlin hôm 27/2.
Ông Patrushev nói: “Rõ ràng là Nhà Trắng đang trông đợi mức sống của người Nga sụt giảm nhanh chóng, và sau đó là những cuộc biểu tình quy mô lớn. Nhưng nước Nga sẽ trụ vững trước áp lực nhờ khả năng phục hồi của mình cũng như kinh nghiệm hàng thập kỷ chống lại các cuộc cách mạng màu”.
Những lệnh cấm vận kinh tế khắc nghiệt do cả Mỹ và châu Âu áp đặt đã giáng một đòn nặng nề, khiến nền kinh tế Nga lần đầu tiên rơi vào suy thoái sau sáu năm. Hồi đầu tuần, Mỹ đã gia hạn thêm một năm lệnh cấm vận áp đặt với Nga từ tháng Ba năm ngoái, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Các lệnh cấm vận của EU cũng được gia hạn thêm 6 tháng.
Trong khi đó, ở trong nước, một thủ lĩnh khác của phe đối lập là Alexey Navalny lại cho rằng chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm trước vụ ám sát ông Nemtsov. Phe đối lập Nga cũng tuyên bố sẽ công khai những tài liệu mà ông Nemtsov đã thu thập được về “vai trò của Nga trong cuộc xung đột Ukraine”.
Từ lâu Nga đã cáo buộc Mỹ và đồng minh đứng sau hai cuộc cách mạng màu năm 2003 và 2004 ở Gruzia và Ukraine, giúp những nhân vật thân phương Tây lên nắm chính quyền ở các quốc gia này.
Moscow cũng đã gia tăng sức ép lên các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Nga. Golos, một tổ chức giám sát bầu cử nhận tiền tài trợ của Mỹ đã phải đóng cửa một thời gian, và hiện đang phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ phía chính phủ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ông Patrushev, một cựu sĩ quan cơ quan tình báo Liên Xô KGB giống như Tổng thống Putin, cho rằng Mỹ cũng đang tìm cách phá hoại các chính phủ ở Trung Đông bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và ủng hộ các nhóm vũ trang trong khu vực.
Ông này nói rằng Mỹ không muốn nhanh chóng tiêu diệt các nhóm khủng bố ở Syria vì lo sợ rằng làm như vậy sẽ củng cố sức mạnh cho đồng minh thân cận nhất của Nga trong khu vực là Tổng thống Syria Bashar al Assad.
Phản ứng trước cáo buộc trên của Nga, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Tổng thống Putin đã hiểu sai về những gì Mỹ đang làm và cố gắng làm. Chúng tôi không dính líu gì tới các cuộc cách mạng màu như ông ấy nói”.
Ông Will Stevens, người phát ngôn đại sứ quán Mỹ ở Moscow thì nói rằng mục đích các biện pháp cấm vận của Mỹ là nhằm buộc Nga phải thay đổi chính sách chứ không tìm cách tạo ra thay đổi trong chính phủ Nga. Ông Stevens khẳng định nếu Nga và phe ly khai thân Nga tuân thủ đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình Minsk, Mỹ sẽ “hủy bỏ nhiều lệnh cấm vận”.
Trí Dũng (Theo SMH)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.