Nửa năm công cốc
Vụ hoa Tết năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Ngọc Anh, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) mạnh dạn đầu tư trồng 300 chậu cúc. Gặp thời tiết thuận lợi, không có mưa lũ bất thường, vựa hoa nhà bà Hạnh phát triển rất tốt.
Nào ngờ, vào tháng 11.2015 vừa qua, bà Hạnh mua một loại thuốc chống rầy từ đại lý nông dược trong vùng về phun thì xảy ra chuyện. Sau hơn một tuần xịt thuốc, cả vườn hoa bỗng héo vàng, đọt non xoắn quắt bất thường. Bà Hạnh ngắt đọt hỏng rồi kiên nhẫn chờ đợi, nhưng đến gần Tết, cả 300 chậu cúc vẫn không chịu đơm nụ.
Người trồng hoa ven thành phố Huế ngậm ngùi trước vườn cúc Tết không chịu kết nụ, đơm hoa.
Những nhà vườn có thâm niên trồng hoa Tết hàng chục năm nay tại vùng ven thành phố Huế cũng rơi vào tình cảnh trắng tay tương tự. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thái, một chủ vườn giàu kinh nghiệm trồng hoa Tết tại thôn Ngọc Anh (xã Phú Thượng), cho biết: Hoa cúc vườn nhà từ nhiều năm nay luôn được chăm trồng tỉ mẩn, bảo đảm kỹ thuật, tuân thủ khung lịch thời vụ, sử dụng phân bón và các loại nông dược mua từ đại lý có uy tín, nhưng không hiểu sao đến thời điểm sắp thu hoạch, ngọn cúc không chịu đơm nụ.
Để cứu vãn vụ hoa Tết bết bát, nhiều chủ vườn tìm mọi cách để cây cúc ra hoa, nhưng cuối cùng vẫn bất lực. Anh Trần Mạnh Hưng, người sở hữu gần 600 chậu cúc Tết “vô sinh”, cho biết: Sau khi hoa bị quắt ngọn do phun thuốc diệt rầy, cả nhà tập trung cắt bỏ đọt cũ, với hy vọng cây đâm chồi mới để kết hoa. “Sau khi cắt đọt cũ, chờ từ tháng 10 âm lịch tới chừ, ngọn cúc vẫn cứ cùn lụn, không chịu phát triển thêm, gốc nào ra nụ thì xẹp lép quắt quẹo, hoa chẳng thấy đâu”, anh Hưng thất vọng.
Ông Phạm Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thượng, cho biết: Trên địa bàn hiện có hơn 20 hộ nông dân trồng cúc Tết không ra hoa một cách bất thường, với số lượng khoảng 1 vạn chậu. Hộ thiệt bị hại nặng nhất lên đến gần 1.000 chậu, ít cũng trên dưới 100 chậu.
Cúc “vô sinh” vì thuốc diệt rầy?
Trước tình hình hàng loạt hộ trồng hoa ven thành phố Huế điêu đứng vì cúc Tết không đơm hoa, chính quyền địa phương đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh nguyên nhân. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn chưa được công bố.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh TT-Huế khẳng định, loại nông dược mà nông dân mua để phun trừ rầy, trước khi cây hoa cúc bị xoắn lá, không đơm nụ… thuộc danh mục được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành. Thời điểm kiểm tra, nông dân Phú Thượng pha thứ thuốc này với một loại hỗn hợp hóa học dùng kết hợp bảo vệ hoa.
Đoàn kiểm tra cho rằng, đại lý nông dược đã thiếu hướng dẫn cho nông dân, khiến bà con pha trộn không đúng giữa thuốc trừ rầy cùng hỗn hợp hóa học khi phun có thể làm cúc không ra hoa. Do đó, đại lý bán thuốc và nông dân cần có thỏa thuận về hỗ trợ do những sơ suất kể trên.
Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng, hướng giải quyết như vậy là nửa vời, thiếu thuyết phục. Từ nhiều năm nay, nông dân trong vùng vẫn phun xịt thuốc trừ rầy theo phương thức như vậy, nhưng chưa bao giờ gặp “sự cố” như hiện nay.
Theo bà con, cơ quan chức năng cần thu thập mẫu thuốc, chai lọ, bao bì sản phẩm nông dược kể trên để tiến hành kiểm tra, phân tích, giám định. Từ đó đưa ra kết luận, liệu đó có phải là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm tránh tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho nông dân trên diện rộng như hiện nay.
Ngọc Văn (Tiền phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.