Chăm sóc hoa chuẩn bị cho thị trường Tết Bính Thân 2016. Ảnh: Hoa Đặng
Sau nhiều năm trăn trở, đi thăm quan đó đây, nghe đài, đọc báo, năm 2004, anh quyết định chuyển đổi sang trồng hoa. Ban đầu, vốn ít cộng với quỹ đất của gia đình hạn hẹp (khoảng 3.000m2), kinh nghiệm trồng hoa chưa có nhiều, nhưng anh đã mạnh dạn làm lớn.
Dịp tết Nguyên đán năm 2005, anh đã trồng và tung ra thị trường tới 7.000 chậu cúc đại đóa và hoa mào gà, hương dương… “Ngay vụ đầu tiên tôi làm đã trúng, một phần thành công là nhờ mình bõ công chăm bẵm từng giờ, từng ngày và thị trường tiêu thụ rất tốt…”- anh Cung nhớ lại.
Vụ hoa đầu tiên được mùa, được giá đã giúp anh Cung có động lực mạnh dạn đầu tư thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất từ 3.000m2 lên đến 2ha như hiện nay. Mô hình trồng hoa của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và lao động thời vụ có lúc lên đến 30 đến 40 người. Doanh thu từ trồng hoa của gia đình anh Cung mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi ròng hơn 500 triệu đồng.
Trải qua 10 năm trồng hoa, mỗi lứa hoa là một trải nghiệm, là sự đúc rút kinh nghiệm để anh Cung mở rộng kiến thức kỹ thuật. Đến nay, anh đã thuộc đặc tính của từng loài hoa. “Nghề trồng hoa cũng không quá khó, chỉ cần nông dân nắm bắt được từng giai đoạn phát triển của cây mà có những điều chỉnh về dinh dưỡng, ánh sáng cho phù hợp, và phải biết phối kết hợp với những người trồng hoa khác cùng nghề để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Khó nhất là khâu chọn giống. Hiện tại tôi vẫn chưa chủ động được nguồn giống, chủ yếu là phải mua từ các nơi khác. Tết năm nay ước tính gia đình tôi sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 chậu hoa các loại”.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích hiện có, sau mỗi vụ hoa tết, anh Cung lại trồng luân canh các loại rau xanh, rau gia vị, hành ngò... giúp gia đình có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh đã tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều lao động và giúp vốn đầu tư, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cho hàng chục hộ gia đình khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.