Ngăn chặn trò mạo danh làm hại nông sản Việt

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 30/07/2020 15:39 PM (GMT+7)
Việc một doanh nghiệp cố tình mạo danh mã số vùng trồng xoài của một hợp tác xã nổi tiếng ở Đồng Tháp không phải câu chuyện mới!
Bình luận 0

Đã nhiều lần những nông sản của Việt Nam bị mạo danh như vậy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sản phẩm. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp mạnh để bảo vệ được uy tín nông sản Việt Nam.

Người dân tức giận

Thời gian qua, người dân ở HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã có nhiều cố gắng trong việc thay đổi tập quán canh tác và tư duy trong sản xuất. Do sản xuất theo quy trình an toàn nên xoài của HTX này rất ngon, đảm bảo chất lượng, được người dân trong và ngoài nước biết đến, đánh giá cao.

Ngăn chặn trò mạo danh làm hại nông sản Việt - Ảnh 1.

Xoài của HTX xoài Mỹ Xương chủ yếu xuất sang thị trường khó tính, chưa xuất sang Trung Quốc. Ảnh: T.L

"Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện quản lý chặt chẽ về mã số vùng trồng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Hiện tình trạng mạo danh mã vùng trồng trên chưa gây thiệt hại cho nông dân nhưng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sản uy tín của HTX, người dân trồng xoài".

Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp

Sau nhiều cố gắng của chính quyền, ngành chức năng và bà con nông dân, đến năm 2017, HTX xoài Mỹ Xương được cấp 3 mã số vùng trồng (một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; yêu cầu đầu tiên để có thể xuất khẩu ra nước ngoài), khẳng định sản phẩm của HTX có nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên, mới đây, người dân bất ngờ hay tin, một số lô hàng xuất sang Trung Quốc bị ngành chức năng quốc gia này giữ lại vì không đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Trên những lô hàng xoài này có dán 2 mã vùng trồng xuất phát từ HTX xoài Mỹ Xương.

Liên quan đến vụ việc trên, theo đại diện HTX xoài Mỹ Xương, thời gian xảy ra vụ việc trên, HTX không có lô xoài nào xuất đi. Theo ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, phía HTX cũng không có đối tác phía Trung Quốc và chưa xuất khẩu xoài đi nước này bao giờ. Sau sự việc này, hiện lãnh đạo và các thành viên HTX rất lo ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của HTX trong thời gian tới.

Tìm hiểu của phóng viên, các nông dân - thành viên HTX xoài Mỹ Xương đang rất bức xúc vì sự mạo danh đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu xoài Mỹ Xương mà người dân đã cố gắng xây dựng trong thời gian dài vừa qua. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì rất thiệt thòi cho HTX và nông dân. "Vụ việc đang được ngành chức năng tỉnh hỗ trợ giải quyết. Rất mong tình trạng này sẽ không còn" - ông Hưng thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Trần Thanh Tâm - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp cho hay, mới đây, phía cơ quan chức năng Trung Quốc đã giữ lại 12 lô xoài từ Việt Nam, trong đó có 2 lô hàng được dán 2 mã vùng trồng từ HTX ở tỉnh Đồng Tháp. 

Nhận được thông tin này, phía Chi cục đã cho kiểm tra thì biết được, lúc này xoài ở Đồng Tháp không còn thu hoạch nữa, chỉ còn một số lượng khiêm tốn xoài cát Chu và xoài cát Hoà Lộc bán ra Hà Nội chứ không có đủ để xuất sang Trung Quốc. 

Hơn nữa, hiện nay, Đồng Tháp chỉ xuất chủ yếu xoài tượng da xanh, còn xoài cát Chu và xoài Cát Hoà Lộc chưa xuất sang Trung Quốc (chủ yếu xuất sang thị trường khó tính).

Ngăn chặn trò mạo danh làm hại nông sản Việt - Ảnh 3.

Sản phẩm xoài phục vụ xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh xây

"HTX xoài Mỹ Xương ngưng thu hoạch xoài từ tháng 4 nhưng lô hàng bị phát hiện ở Trung Quốc là tháng 6, điều này chứng minh rằng xoài này ở vùng khác, doanh nghiệp nào đó đã dán mã vùng trồng ở Đồng Tháp để thuận tiện trong xuất khẩu. Tỉnh cũng kiểm tra, rà soát thì được biết, doanh nghiệp làm chuyện này không phải ở tỉnh Đồng Tháp" - ông Tâm nói.

Ông Tâm nói thêm: "Mình không bán xoài cho họ nhưng họ lấy xoài của vùng khác đem xuất đi và lấy mã vùng trồng của Đồng Tháp, cuối cùng xảy ra chuyện về hàng rào kỹ thuật thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nông sản địa phương".

Quản lý chặt mã số vùng trồng

Theo ông Trần Thanh Tâm, việc quản lý mã vùng trồng trong thời gian qua chưa được chặt chẽ, các mã này đều đăng tải trên trang website của Cục BVTV nên doanh nghiệp dễ có cơ hội lợi dụng để mạo danh. Sau vụ việc mạo danh xoài Mỹ Xương, phía Chi cục đã tham mưu cho Sở NNPTNT có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT sớm ban hành hướng dẫn các biện pháp quản lý mã vùng trồng, không để các doanh nghiệp trục lợi.

Đồng thời, đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác giám sát, thu thập thông tin từ nhà vườn để biết được trong khoảng thời gian nào lượng hàng hóa ra thị trường là bao nhiêu và ở đâu, dễ xác định được sản phẩm đó có phải do mình sản xuất hay không...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi khẩu sang thị trường Trung Quốc, 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính. 

Nhằm chủ động quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại đến uy tín, nhãn hiệu, vùng trồng trong thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây/mã số vùng trồng (tấn/tháng) và bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu (nếu thương lái thu gom cho đơn vị xuất khẩu); sản lượng trái cây/nhà đóng gói (tấn/tháng) được thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính. Thực hiện báo cáo số liệu này vào báo cáo định kỳ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các nơi được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói thực hiện tốt các tiêu chí quản lý theo yêu cầu, phối hợp với đoàn thẩm định, kiểm tra cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói trên địa bàn...  

Theo Luật Trồng trọt, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Về yêu cầu diện tích và điều kiện canh tác trong vùng trồng: Diện tích vùng trồng có thể dao động từ 6 - 10ha/mã; không được quá 12ha/mã để tiện cho việc quản lý; Vùng trồng trái cây xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP…) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương; Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng; Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả.

Anh Thơ

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem