Thiếu máy, thiếu người
Trao đổi với NTNN, ông Đoàn Ngọc Châu – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An cho biết, tỉnh này vừa thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tăng cường kiểm tra, lấy mẫu, xử phạt các cơ sở, hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm để tăng trọng cho lợn. “Công tác thú y, giám sát hoạt động sử dụng chất cấm hiện đang gặp nhiều khó khăn, việc kiểm tra, test mẫu chưa thực sự chính xác dẫn tới tình trạng tràn lan chất cấm thời gian qua”- ông Châu nói.
Thức ăn chăn nuôi cho lợn là lĩnh vực mà Bộ NNPTNT lưu ý các địa phương cần kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Trong ảnh: Chăn nuôi lợn tại một trang trại ở Vụ Bản, Nam Định. Ảnh: Đàm Duy
Hiện tại, cơ quan thú y các tỉnh sử dụng phương pháp lấy mẫu, kiểm tra nhanh bằng dụng cụ test nhanh để phát hiện dư lượng Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine trong mẫu. Tuy nhiên, theo ông Châu, tỷ lệ chính xác của phương pháp này vẫn chưa cao. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các tỉnh và TP.HCM có lúc “lỗi nhịp” do điều kiện cơ sở vật chất khác nhau.
“Nhiều bộ test nhanh cho kết quả không chính xác. Có trường hợp cơ quan thú y Long An không phát hiện dư lượng chất cấm, nhưng khi về tới TP.HCM, cơ quan thú y địa phương này lại phát hiện có chất cấm. Chuyện này không thể tránh được khi điều kiện cơ sở vật chất của địa phương còn rất hạn chế” - ông Châu cho biết.
Cũng theo ông Châu, để có kết quả kiểm tra mẫu có độ chính xác cao, TP.HCM có sử dụng phương pháp phân tích Elisa, đồng thời có trang bị cả phòng thí nghiệm lưu động với các thiết bị hiện đại, trong khi điều kiện của các tỉnh lại rất đơn giản, địa bàn lại rộng lớn trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng, không quản hết được các vấn đề.
Để tăng cường quản lý, phát hiện việc sử dụng các chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi heo, Sở NNPTNT Long An vừa trích ngân sách hơn 200 triệu đồng, đầu tư mua các trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi lợn. Trước mắt, Sở đã gấp rút đặt mua 25 hộp test nhanh phát hiện dư lượng chất cấm, trang bị cho tất cả các trạm thú y và các chốt kiểm dịch động vật trong tỉnh.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cũng cho biết, đơn vị này vừa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn trên địa bàn.
Để dễ truy tìm nguồn gốc heo được “vỗ béo” bằng chất tạo nạc tuồn vào thành phố, mới đây Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị chi cục thú y các tỉnh khi đưa lợn vào TP.HCM giết mổ phải được đánh dấu. Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho rằng, việc đánh dấu này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho công tác truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang, quy trình kiểm dịch thú y phải tuân theo các văn bản pháp luật nên rất khó để các tỉnh phải “tuân theo” quy định này của TP.HCM. “Cán bộ thú y khi thi hành công vụ phải tuân theo các quy định của pháp luật, quy trình thống nhất chung trên toàn quốc. Do đó, không thể chỉ TP.HCM yêu cầu một quy trình kiểm tra khác và các tỉnh phải tuân theo” - ông Quang nói.
Kiểm tra cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi
Thanh tra Bộ NNPTNT cho rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay rất nghiêm trọng. Nếu không có sự cảnh báo, vào cuộc của các cơ quan chức năng, cũng như các địa phương, khó có thể xử lý được tận gốc. Mới đây, Thanh tra Bộ NNPTNT đã có quyết định xử phạt hành chính kỷ lục đối với một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lên tới 470 triệu đồng do phát hiện có chất cấm trong TACN (Công ty Khoa Nguyên, TP.HCM-PV).
Liên quan đến chất lượng TACN, mới đây Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã có chỉ thị gửi các địa phương yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm.
Về việc kiểm tra ở địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu: Cần lưu ý các cơ sở gia công TACN, phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung. Tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi cần kiểm tra TACN, nhất là nước tiểu vật nuôi giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt.
Tương tự, các lò mổ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ. Các chợ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của lợn và bò thịt.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định của pháp luật, trong đó có Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Ảnh hưởng tới xuất khẩu
Dù biết chất cấm có hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng nhưng một số đơn vị không chỉ có người dân mà cả doanh nghiệp cũng sử dụng chất cấm vì lợi nhuận là hành vi không thể chấp nhận được, cần phải được xử lý nghiêm. Nếu không kiểm soát được chất cấm thì sản phẩm chăn nuôi của chúng ta sẽ không thể xuất khẩu được, chưa kể tới các sản phẩm chăn nuôi còn phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước khi tham gia ký kết các hiệp định thương mại. Sản phẩm chăn nuôi của chúng ta sản xuất giá đã cao lại không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thì chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Theo tôi, các quy định về mặt pháp lý của Việt Nam cơ bản đã đầy đủ, muốn kiểm soát tốt được vấn đề này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền địa phương là có thể kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm.
Thanh Xuân (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.