Đó là chia sẻ của Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 25/7.
Ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, bản thân ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai các các giải pháp như tích cực trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30/06/2023 là 16.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5 nghìn tỷ đồng. Thực hiện chủ trương của NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi phí. BIDV cũng ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề với quy trình rút gọn phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành.
Còn tại VietinBank, ngoài các chính sách ưu đãi về lãi suất, VietinBank tập trung rà soát chuẩn hóa quy trình cấp tín dụng theo từng phân khúc/tiểu phân khúc khách hàng, từ đó rút ngắn thời gian xử lý, tinh gọn thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp.
Thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, Agribank đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay tới 7 lần với mức giảm lên tới 4%/năm so với đầu năm, ngân hàng cũng triển khai các Chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lớn như chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Agribank, quy mô chương trình 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, quy mô 25.000 tỷ đồng, kéo dài đến hết năm 2023; dự kiến triển khai Chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô 20.000 tỷ đồng từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024.
Đồng thời, Agribank cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của NHNN: dư nợ của các giải ngân được cơ cấu là 20.187 tỷ đồng cho 474 khách hàng doanh nghiệp.
Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất nhiều giải pháp như hạ lãi suất cho vay, tung ra các gói vay lãi suất ưu đãi, giảm thủ tục giải ngân… song vốn vẫn "ế".
Nguyên nhân, là do trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Những diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Như tại Công ty May 10, theo chia sẻ của doanh nghiệp này, đơn hàng sụt giảm 20-30% so với cùng kỳ khiến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn dù lãi vay đã giảm mạnh, nhiều ngân hàng săn đón mời vay.
“Khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Chìa khoá để giải cứu doanh nghiệp là gì?
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, thời gian qua ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực tiết kiệm chi phí hoạt động, sẵn sàng giảm lãi suất san sẻ gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, quy trình thủ tục cho vay cũng rút gọn; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Có thể nói việc gì làm được trong khả năng của mình ngành Ngân hàng đều đã thực hiện.
“Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể khi trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Xét về tỷ lệ cho vay thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước. Đến thời điểm này, phải khẳng định lại lần nữa về mức độ quan tâm, hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành Ngân hàng là rất lớn” - ông Thân đánh giá.
Tuy nhiên, ông Thân cũng thừa nhận rằng, hiện nay vẫn có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.
"Có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng hiện nay vẫn còn tương đối nhiều. Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì một phần nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn, năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do đó, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp", Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận định.
Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hạ lãi suất
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối diện với nhiều rủi ro lớn: nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Ông Lực đưa ra loạt giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho DN; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội; Chú trọng các động lực tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng nội địa; gỡ khó cho thị trường TPDN;...
Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.
Cuối cùng, trở lại với ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: NHNN sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ để điều tiết thị trường để cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế. Mặt khác, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỉ giá. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường.
"Đặc biệt, về chi phí vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp" ông Tú nhấn mạnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Tú cho rằng: hơn bao giờ hết, bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng đang tồn kho. Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi vay vào mà không cho vay ra được.
Do đó, quan điểm chia sẻ giữa hai bên là ngân hàng thương mại cần đặt mình vào doanh nghiệp để thấy doanh nghiệp khó khăn ra sao và ngược lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.