Ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng: Khấu trừ thuế thu nhập từ Facebook, Google thế nào?
Ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng: Khấu trừ thuế thu nhập từ Facebook, Google thế nào?
PVKT
Thứ tư, ngày 25/11/2020 11:38 AM (GMT+7)
Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế có quy định ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế. Đồng thời, ngân hàng phải khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google... nếu cá nhân không nộp.
Ngày 5/12 tới đây, Nghị định 126/2020 chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo quy định, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp.
Nghị định 126 cũng yêu cầu ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.
Ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cho cơ quan thuế không có gì vi phạm đến quy định bảo mật. Đây là hoạt động bình thường trong công tác chống thất thu thuế.
"Quy định cũng nêu rõ cơ quan thuế chịu trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp nên trường hợp ai sử dụng danh sách thông tin này bán dữ liệu thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay cả Thụy Sĩ là nước nổi tiếng về việc ngân hàng bảo mật thông tin khách hàng thì nay cũng đã phối phợp với cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin nhằm chống thất thu, gian lận thuế", ông Đức thông tin.
Cùng quan điểm liên quan đến việc ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận, hiện nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng trên mạng xã hội có thể thu tiền về tài khoản, hoặc qua người giao hàng (qua shipper), nhận tiền mặt... Thậm chí, còn có các đối tượng cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung cho các nền tảng nước ngoài như YouTube, Facebook và thu tiền về. Số tiền đó được chuyển từ nước ngoài vào tài khoản cá nhân, cơ quan thuế sẽ không kiểm soát được nếu không có sự phối kết hợp với ngân hàng.
Các chuyên gia nhấn mạnh, vấn đề quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện gặp nhiều khó khăn, vì vậy những quy định mới tại Nghị định 126 xuất phát từ thực tế này. Việc ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, các cơ quan quản lý thuế có thể theo dõi các giao dịch ngân hàng, từ đây sẽ có cách quản lý thuế hiệu quả.
Khấu trừ thuế thu nhập với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google thế nào?
Đề cập tới quy định, ngân hàng phải khấu trừ thuế với các thu nhập nhận được từ Facebook, Google... nếu cá nhân không nộp. Ông Lê Hoàng Tùng, kế toán trưởng Vietcombank cho biết, hiện các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán bản chất là cung ứng dịch vụ thanh toán. Do vậy, trên thực tế, các ngân hàng, trung gian thanh toán thiếu thông tin về việc xác định khoản tiền nào liên quan đến thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế của khách hàng.
Vì vậy, ông Tùng băn khoăn cách thức ngân hàng thương mại sẽ cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng ra sao? "Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ này là khó khăn nên rất mong có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng quy định", ông Tùng nêu.
Trả lời câu hỏi về cung cấp dữ liệu tài khoản khách hàng mà đại diện Vietcombank đặt ra, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Luật quản lý thuế quy định trách nhiệm của ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin dữ liệu tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Thực hiện quy định này, cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự.
"Cơ quan thuế không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả các khách hàng. Việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra. Không qua ngân hàng làm sao cơ quan thuế nắm được thu nhập của cá nhân nhận được từ Facebook, YouTube... là bao nhiêu để yêu cầu người nộp thuế kê khai và nộp thuế đầy đủ", ông Minh thông tin.
Liên quan đến nghĩa vụ khấu trừ thuế của khách hàng mà các tổ chức tín dụng phải thực hiện, ông Minh cho biết trường hợp các tổ chức cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới không đăng ký thuế trực tiếp tại Việt Nam thì căn cứ vào các khoản thanh toán từ Việt Nam ra nước ngoài, các tổ chức tín dụng sẽ khấu trừ thuế. Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể đối tượng và trường hợp nào thì các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện khấu trừ.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng khẳng định, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng để ban hành các quy chế, quy trình cấp dữ liệu. Về nguyên tắc, cơ quan thuế sẽ cố gắng cung cấp tập trung về các giao dịch theo yêu cầu của ngành để quản lý.
Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ mời các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ở nước ngoài sang làm việc để họ có thể ủy quyền cho các bên tư vấn ở Việt Nam kê khai thay hoặc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Như Netflix thì nộp 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.