Ngân hàng nào hưởng lợi nhất từ trần lãi suất huy động mới?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 20/03/2020 06:00 AM (GMT+7)
Tính toán của Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, trong nhóm các ngân hàng niêm yết, ACB và MBB sẽ là hai ngân hàng hưởng lợi lớn nhất với mức giảm chi phí huy động năm 2020 đều trên 400 tỷ đồng. Một số ngân hàng khác như VPBank, LienVietPostBank, HDBank, VIB cũng có thể giảm được hơn trăm tỷ đồng…
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành chính sách lãi suất mới có hiệu lực kể từ ngày 17/3/2020, trong đó có chính sách hạ trần lãi suất huy động. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng sẽ có lãi suất tối đa 0,5%/năm, thay vì 0,8% như trước. Cùng với đó, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng có lãi suất tối đa 4,75%, thay vì 5% như trước.

img

Trần lãi suất mới sẽ giúp giảm chi phí huy động của nhiều ngân hàng (Ảnh minh họa)

Theo tính toán của Công ty CP Chứng khoán SSI, trần lãi suất mới sẽ giúp giảm chi phí huy động của nhiều ngân hàng. Trong đó, ACB và MBB sẽ là hai ngân hàng hưởng lợi lớn nhất với mức giảm chi phí huy động năm 2020 đều trên 400 tỷ đồng, lần lượt là 471 tỷ đồng và 411 tỷ đồng.

img

img

Tác động mức trần lãi suất mới đến lãi suất huy động (Nguồn: SSI)

Một số ngân hàng khác cũng có thể giảm được hơn trăm tỷ đồng chi phí huy động. Chẳng hạn như VPBank giảm được 171 tỷ đồng, LienVietPostBank giảm được 159 tỷ đồng, HDBank giảm được 146 tỷ đồng, VIB giảm được 119 tỷ đồng.

TPBank cũng được hưởng lợi nhưng khá ít, chỉ khoảng 28 tỷ đồng.

SSI cho hay mức lãi suất huy động ở các ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) và Techcombank đều đã dưới mức trần mới trước khi quyết định mới được ban hành. Do đó, mức trần lãi suất mới sẽ không tác động nhiều đến các ngân hàng này. Thay vào đó, lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng vốn cấp 2 hàng đầu hiện nay cao hơn mức trần mới và sẽ được điều chỉnh giảm để phù hợp với quy định mới.

Với việc hạ lãi suất này, tiền gửi sẽ được thu hút vào các kỳ hạn dài hơn để giúp các ngân hàng cải thiện các hệ số hoạt động nhằm tuân thủ các quy định hiện hành.

"Do chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng vốn cấp 3 và các ngân hàng khác sẽ dần thu hẹp, các ngân hàng có lịch sử tín dụng tốt; hoặc sức khỏe tài chính tốt hơn có thể sẽ thu hút huy động nhiều hơn, tương tự như diễn biến trong năm 2011. Trong trường hợp đó, chúng tôi ước tính hoạt động cho vay liên ngân hàng của các ngân hàng cấp 1 và cấp 2 hàng đầu sẽ phát triển mạnh", chuyên gia của SSI nhận định.

Bên cạnh việc giảm trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ trực tiếp các ngân hàng thương mại bằng cách tăng lãi suất trả cho các khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

SSI ước tính tổng dự trữ bắt buộc của toàn hệ thống là 164 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,86% tổng huy động năm 2019.

"Mức tăng 0,2 điểm% lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND sẽ trực tiếp mang lại thêm 247 tỷ đồng thu nhập lãi cho toàn ngành ngân hàng trong năm 2020", báo cáo của SSI nêu.

Về lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại sẽ có tác động gián tiếp, do nhu cầu vay của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm này là tương đối thấp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào. Lãi suất này sẽ đóng vai trò làm mức trần cho lãi suất liên ngân hàng.

“Lãi suất liên ngân hàng đã giảm gần đây và chúng tôi dự báo sẽ ở dưới mức 3,5% trong thời gian còn lại của năm 2020, áp dụng cho cả kỳ hạn 3 tháng. Điều này có thể khiến NIM giảm trong thị trường liên ngân hàng”, SSI dự báo.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem