Ngân hàng Nhà nước lập kỷ lục khi lần thứ 6 đứng đầu cải cách hành chính, Bộ GD-ĐT và Y tế cuối bảng

PVCT Thứ năm, ngày 24/06/2021 17:13 PM (GMT+7)
Về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đứng đầu 17 bộ, ngành được đánh giá xếp hạng.
Bình luận 0

Chiều 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Ngân hàng Nhà nước lập kỷ lục khi lần thứ 6 đứng đầu cải cách hành chính, Bộ GD-ĐT và Y tế cuối bảng - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến công bố kết quả về Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (ảnh VGP).

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, công tác CCHC đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Năm 2020 là năm thứ 9 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR Index của các bộ, các tỉnh, thành phố; là năm thứ 4 triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Về Chỉ số PAR Index của các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đứng đầu 17 bộ, ngành được đánh giá xếp hạng. Năm 2020 là năm bản lề kết thúc chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và bước vào chiến lược 10 năm mới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo dấu ấn bằng thành tích lần thứ 6 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PAR Index trong số các bộ, ngành.Tiếp theo là Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ TN&MT.

Nằm ở cuối bảng xếp hạng này là Bộ GD&ĐT (17/17), Bộ Y tế (16/17).

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu tiên công bố công khai cho doanh nghiệp, người dân Bộ thủ tục hành chính chi tiết, đầy đủ. Không dừng lại ở kết quả của Đề án 30, từ năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%).

Trong giai đoạn này Ngân hàng Nhà nước được giao tăng từ 35 lên 37 nhiệm vụ. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn cắt giảm toàn bộ cấp phòng tại 2 đơn vị cấp Vụ, giảm 74 đơn vị phòng trong toàn hệ thống, tỷ lệ giảm trên 16%. Đã cắt giảm từ 11 xuống còn 8 đầu mối trực thuộc; giảm 18 đơn vị cấp phòng của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Chỉ số SIPAS năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đứng đầu là tỉnh Quảng Ninh, tiếp đến là Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Các tỉnh xếp cuối bảng là Bình Thuận (63/63), Đắk Lắk (62/63), Cao Bằng (61/63), Quảng Bình (60/63), Quảng Ngãi (59/63).

Đối với Chỉ số PAR Index năm 2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu đối với cấp tỉnh. Tiếp đó là Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Đồng Tháp. 5 tỉnh đứng cuối bảng là Quảng Ngãi (63/63), Phú Yên (62/63), Kiên Giang (61/63), Ninh Thuận (60/63) và Bắc Kạn (59/63).



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem