Vì sao phải tăng giá than?
Ông Nguyễn Văn Biên- Phó Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, từ 15.9.2012, giá than bán cho điện đã được điều chỉnh một bước, nhưng hiện cũng mới bằng 71-73% giá thành sản xuất năm 2011 đã được kiểm toán. Nếu so với giá thành năm 2013 thì giá than bán cho điện mới bằng khoảng 63-66% giá thành. "Hiện khoản bù lỗ giá than bán cho điện, chúng tôi vẫn chưa có nguồn để cân đối"- ông Biên nói.
Trong khi đó, theo ông Biên, hoạt động của ngành than đang rất khó khăn, tiền lương công nhân mỏ năm 2012 của Vinacomin đã phải giảm gần 10% so với năm 2011, việc tuyển dụng thợ lò gặp nhiều khó khăn. "Nếu giá bán than cho điện không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành và thu nhập của người lao động. Khối lượng than xuất khẩu đã giảm, toàn bộ để phục vụ trong nước. Nếu không điều chỉnh giá bán than cho điện thì tập đoàn không biết lấy tiền đâu để đầu tư" - ông Biên khẳng định.
|
Theo lãnh đạo ngành than, giá than đang nằm dưới mức thành sản xuất. |
Để "đòi" theo giá thị trường cho giá than, Vinacomin đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Công Thương, đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá than theo lộ trình đảm bảo cuối quý I/2013 giá than ngang bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán, từ quý III/2013 giá than sẽ bằng giá thành 2013, sau đó tiến tới theo giá thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả chỉ còn chờ "cái gật đầu" của các bộ ngành và Chính phủ là giá than sẽ được điều chỉnh.
Than tăng thì điện tăng
“Than tăng giá 1, điện cũng tăng giá 1 như lâu nay là không thể chấp nhận được. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần phải tính toán, làm rõ, nếu không là chưa hết trách nhiệm với dân”.
Bà Phạm Chi Lan
Trong rất nhiều cuộc họp, Bộ Công Thương đã tuyên bố: "Khi nào giá điện tăng thì giá than mới được tăng. Giá than phải "bám" theo lộ trình tăng giá điện". Từ lập luận này, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng việc giá than tăng thì giá điện cũng sẽ phải tăng lên.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: "Kêu cho giá than cũng chính là kêu cho giá điện bởi giá than tăng càng làm cho giá điện có "cớ" để tăng lên và người tiêu dùng cuối cùng lại phải chịu cảnh dùng điện giá cao".
Theo ông Doanh, việc than kêu lỗ và đòi tăng giá là có thật do khai thác than ngày càng khó khăn, nhưng Chính phủ đã cho phép ngành than lấy giá xuất khẩu để bù lỗ cho giá bán trong nước. Dù lượng than xuất khẩu hiện có giảm nhưng vẫn còn xuất. Do vậy, việc cần làm lúc này là phải xem xét thực lỗ của ngành than thế nào? Xuất khẩu than có bù được lỗ không? Hai là phải xem lại cơ chế độc quyền của các "ông lớn" hiện nay. "3 ông lớn than-điện-khí vừa ký hợp tác 3 bên, vậy điều này phát huy hiệu quả thế nào hay chỉ làm cho sự độc quyền to lên? Các tập đoàn tha hồ "làm xiếc" về giá và người tiêu dùng và nền kinh tế phải gánh chịu?!"- ông Doanh nói.
Cũng đứng ở góc độ giá, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan rất ủng hộ việc giá của các ngành khai thác tài nguyên phải được xem xét, điều chỉnh ở góc độ là ngành đó có lãng phí tài nguyên hay không? Nếu ở khía cạnh này, thì ngành than rất đáng để điều chỉnh giá nhằm làm sao việc khai thác than tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo bà Lan, "ngành than chưa phải đã có ý thức tiết kiệm tài nguyên mà họ kêu tăng giá chỉ vì lợi ích của ngành than mà thôi".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm rằng, với 2 ngành than và điện thì rất cần Nhà nước tạo sức ép để giảm giá thành, tiết kiệm chi phí tránh sức ép tăng giá. “Thực tế cho thấy, 2 ngành này vẫn còn sự lãng phí lớn, đây là bài toán hiệu quả, chứ không chỉ là bài toán giá” - ông Phong nói .
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.