Ngành vi mạch bán dẫn: Sinh viên tốt nghiệp lương lên tới 20 triệu đồng
Một ngành học đang được các trường đầu tư mạnh, sinh viên tốt nghiệp lương lên tới 20 triệu đồng
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 21/10/2023 07:30 AM (GMT+7)
Theo học ngành này, sinh viên mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm, với những người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/năm.
Ngành vi mạch bán dẫn không bao giờ lo dư thừa nhân lực
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng (supply chain) đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. Các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu.
Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.
Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm (phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế: 3.000 x 5 năm + 5.000 = 20.000), trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GDĐT cho rằng, ngành vi mạch bán dẫn, hay các ngành gần với ngành này đều đang "khát" nhân lực và phục vụ cho chính quá trình chuyển đổi số của đất nước nên sẽ không lo dư thừa. Còn việc đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở lĩnh vực bán dẫn, đây là bài toán đặt ra với các trường đại học, từ việc nâng cao chất lượng đầu vào, đến chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra.
Kỹ sư vi mạch thu nhập 1,5 tỉ đồng mỗi năm
Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, số lượng sinh viên đại học tuyển mới và tốt nghiệp các nhóm ngành phù hợp (cần điều chỉnh chương trình đào tạo để bổ sung chuyên ngành sâu từ 1-2 học kỳ), ngành gần (cần học chuyển đổi, bổ sung từ 2-3 học kỳ) như sau:
- Các ngành phù hợp (điện tử-viễn thông, vi điện tử…): tuyển mới khoảng 6.000 và tốt nghiệp khoảng 5.000/năm (gia tăng trung bình 7%/năm).
- Các ngành gần (điện, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…): tuyển mới khoảng 15.000 và tốt nghiệp khoảng 13.000/năm (gia tăng trung bình 10%/năm).
Như vậy, nếu 30% sinh viên các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn, Việt Nam sẽ có 3.000 nhân lực mỗi năm đáp ứng nhu cầu ngành bán dẫn.
Đại học Bách khoa Hà Nội từ nhiều năm nay đã có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế - chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, đào tạo về thiết kế IC, VLSI và các hệ nhúng liên quan đến thiết kế chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Vật lý kỹ thuật, chuyên ngành về vật liệu điện tử liên quan đến chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Kỹ thuật Vật liệu có mô-đun đào tạo về vật liệu liên quan đến chế tạo vi điện tử và bán dẫn. Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo "Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano" đã thu hút được rất đông thí sinh đăng ký.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử. Ở bậc đại học, sinh viên được học về các vật liệu bán dẫn, vật liệu và công nghệ nano trong chương trình ngành Khoa học vật liệu. Ngoài ra, sinh viên Vật lý, Kỹ thuật điện tử và Tin học cũng được đào tạo một số nội dung có liên quan.
Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng khung chương trình đào tạo đại học và sau đại học tiên tiến ngành thiết kế vi mạch và triển khai đào tạo trên 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ trong giai đoạn 2023 - 2030. Xây dựng chương trình đào tạo hiện đại cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kỹ sư.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM có một số ngành đào tạo có chuyên ngành thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học. Trong đó, bậc đại học có ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông với 250 sinh viên/năm, kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp ) 20 sinh viên/năm và hệ thống mạch - phần cứng (chương trình tiên tiến với 30 sinh viên/năm). Bậc cao học, ngành kỹ thuật điện tử - kỹ thuật viễn thông cũng có chuyên ngành về thiết kế vi mạch.
Trường Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM có ngành kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo kỹ sư chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng từ năm 2006. Đến năm 2023, trường có khoảng 400 kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế vi mạch làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt từ năm nay, trường đã cho phép tuyển sinh riêng đối với chuyên ngành thiết kế vi mạch trình độ đại học.
Ngoài ra, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, dự kiến sẽ tuyển sinh 2 ngành này trong năm tới; Trường ĐH CMC dự kiến năm 2024 sẽ mở thêm ngành, chuyên ngành thiết kế vi mạch nhằm cung cấp nhân lực thiết kế vi mạch theo tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và của thị trường toàn cầu; Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều hằng năm. Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm, với những người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/năm.
Mức thu nhập tốt, trong khi nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty đang rất lớn. Sinh viên học năm 3 đã có thể đi làm, phần lớn tập trung vào mảng thiết kế vật lý, kiểm tra thiết kế và một số mảng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.