Ngành Y tế phục hồi thế nào sau những cơn "địa chấn" suốt 2 năm qua?
Ngành Y tế phục hồi thế nào sau những cơn "địa chấn" suốt 2 năm qua?
Diệu Linh
Chủ nhật, ngày 22/01/2023 06:31 AM (GMT+7)
Trong 2 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã trải qua nhiều biến động dữ dội. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, nhiều khó khăn đang dần dần được khắc phục, để lại những dấu ấn đáng ghi nhận.
Từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022, cả nước đã bị "cuốn phăng" bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 mà mà ngành y tế là nơi đầu sóng ngọn gió, hứng chịu nhiều khó khăn, vất vả nhất.
Tâm điểm của làn sóng dịch thứ 4 diễn ra từ tháng 7-tháng 9/2021 với các điểm nóng chủ yếu tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, rồi "chạy ra" các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Hà Nội… Mỗi ngày có hàng chục nghìn người mắc, hàng nghìn người nhập viện và hàng trăm người chết.
Ngành y tế quá tải vì Covid-19, các cơ sở y tế đều đóng cửa, nhường chỗ cho thu dung và điều trị riêng Covid-19.
Hàng trăm nghìn lượt nhân viên y tế đã lên đường lao vào các điểm nóng chống dịch, bất chấp nguy hiểm tính mạng, khó khăn gian khổ để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, nhờ có chính sách tốt về vaccine Covid-19 của Chính phủ, nhờ có sự thần tốc trong việc "phủ sóng" vaccine Covid-19 với sự đóng góp "tiêm ngày tiêm đêm" của toàn thể đội ngũ nhân viên y tế mà dịch Covid-19 đã được đẩy lùi.
Từ tháng 4/2022 đến nay, dịch Covid-19 đã dần dần ổn định, giảm số ca mắc, đặc biệt là giảm ca bệnh nặng phải nhập viện và giảm tử vong.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, số ca mắc mới ghi nhận hàng ngày giảm sâu, chỉ còn khoảng 30-40/ngày. Số ca bệnh nặng phải thở máy cũng chỉ còn 3-4 ca và không ghi nhận tử vong.
Chiến thắng dịch Covid-19 của Việt Nam có sự góp công to lớn của ngành y tế. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, rất nhiều thành tích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng giảm mạnh.
Số lượt người đi khám bệnh giảm, nhiều người bệnh mãn tính không được chăm sóc sức khỏe định kỳ tốt nên có xu hướng bệnh nặng, biến chứng, số ca bệnh lao mới phát hiện giảm, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng giảm…
Ngoài ra, nhân lực y tế cũng bị tổn thương nặng nề sau khi nhân viên y tế quá lao lực, kiệt sức, stress vì phòng chống dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 cũng khiến việc đấu thầu thuốc và những chính sách liên quan ngưng trệ, dẫn đến việc thiếu thuốc trên diện rộng….
"Lốc xoáy" Việt Á
Bên cạnh những công lao to lớn của ngành y tế trong việc chống dịch Covid-19 thì năm 2022 cũng là năm ngành y tế bị tổn hại danh tiếng nhiều nhất. Đại án Việt Á về vi phạm trong đấu thầu kit test xét nghiệm Covid-19 giống như "cơn lốc xoáy" đã khiến toàn ngành y tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác năm 2022 do Bộ Công an tổ chức ngày 19/12, Đại tá Vũ Như Hà - phó cục trưởng C03 - cho biết vụ Việt Á đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 29 vụ án với 102 bị can.
Trong đó công an địa phương đã khởi tố 27 vụ. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố điều tra năm bị can. Tính đến nay, vụ Việt Á đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 29 vụ án với 102 bị can. Trong đó, công an địa phương đã khởi tố 27 vụ, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố điều tra năm bị can.
Riêng ngành y tế đã có hàng chục lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh… các tỉnh đã bị khởi tố.
Nhiều lãnh đạo, nhân viên của Bộ Y tế cũng đã bị khởi tố liên quan đến Việt Á và đấu thầu trang thiết bị y tế trong năm 2022. Trong đó, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 2 cựu Vụ trưởng cũng đã bị bắt giam.
Ngành y tế Việt Nam đã có lúc rơi vào "khoảng lặng đầy sóng gió" khi nhưng sai phạm liên tục bị phanh phui, các lãnh đạo ngành y tế bị khởi tố, bắt giam, ra Tòa, lĩnh án…
Từng bước phục hồi
Ngay khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, từ đầu năm 2022, ngành y tế đã từng bước phục hồi trở lại. Hoạt động khám chữa bệnh thông thường hồi phục sau hơn 2 năm nhường chỗ cho điều trị Covid-19 và đã dần quay trở về mốc so với trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019).
10 tháng đầu năm 2022, toàn quốc có 119,24 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, tăng 10,6% (11,45 triệu lượt) so với 10 tháng đầu năm 2021. Tổng chi khám, chữa bệnh BHYT trên cả nước tăng 17,5%. Số chi khám, chữa bệnh đề nghị bảo hiểm xã hội thanh toán tăng 16,2%.
Đáng nói, tỷ lệ người dân tham gia BHYT vẫn tăng dù dịch Covid-19. Năm 2021 có 91,01% dân số tham gia BHYT (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Tính đến hết tháng 10/2022, cả nước có 88,68 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 4,3 triệu người (2,18%) so với cùng kỳ năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số.
Theo Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân là tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,6 năm 2021, cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.
Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70 trên 100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm) theo báo cáo giám sát thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2021.
Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng, góp phần bảo đảm an ninh vaccine Quốc gia; hệ thống quốc gia về vaccine của Việt Nam (NRA) đã được WHO đánh giá và công nhận; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A, …).
Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3.
Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế cử chuyên gia đến học, mời báo cáo, trình diễn kỹ thuật tại các hội nghị chuyên ngành lớn tại các nước (phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, châm cứu...)…
Như vậy, ngành y tế đã dần dần trở về quỹ đạo trước khi có dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục phát huy những thành tựu mà trước đó đã làm tốt, từng bước khắc phục các khó khăn về thiếu thuốc, nhân lực y tế…
Thành tựu lớn về bao phủ vaccine Covid-19
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi trở lên xấp xỉ 100%, hơn 80% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm nhắc lại mũi 3, gần 90% nhóm người có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 4. Trong nhóm trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, đã có hơn 90% được tiêm mũi 1 và gần 70% được tiêm mũi 2 an toàn, đúng lịch.
Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine Covid-19.
Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine Covid-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine; Là quốc gia có số liều vaccine sử dụng, tỷ lệ bao phủ vaccine cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới.
Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, có được thành công này là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19. Đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
"Bên cạnh đó, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNICEF, WHO trong việc cung ứng vaccine Covid-19 kịp thời, hỗ trợ kỹ thuật triển khai tiêm chủng cũng như hỗ trợ truyền thông vận động người dân Việt Nam tích cực tham gia tiêm chủng vaccine Covid-19 an toàn"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.