Ngao chết rét, đầu ra ế ẩm, dân "sống dở chết dở"

Thứ sáu, ngày 11/03/2016 18:30 PM (GMT+7)
Dù các đợt rét đậm, rét hại đã lùi xa cả tháng trời nhưng dư âm của hình thái thời tiết cực đoan này vẫn đang khiến hàng trăm hộ nuôi ngao trên địa bàn 2 huyện Thạch Hà, Lộc Hà (Hà Tĩnh) "sống dở chết dở”. Phần vì ngao chết do rét, phần vì đầu ra ế ẩm.
Bình luận 0

Những ngày qua ở Hà Tĩnh trời mưa phùn, trở lạnh, nhưng cứ tầm 2 giờ chiều hằng ngày, hàng chục, hàng trăm lao động ở “thủ phủ” ngao thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ (Lộc Hà) lại kéo nhau ra đầm để vớt vỏ ngao đi đổ, vệ sinh ao đầm chuẩn bị xuống giống vụ nuôi mới.

Ông Lê Đình Thành, một trong những người đầu tiên “khai sinh” ra nghề nuôi ngao ở Mai Phụ vừa chỉ tay hướng dẫn lao động vớt ngao vừa thở dài nói: “Mỗi ngày tôi thuê 10 - 12 người đi cào ngao chết với giá 200.000 đ/ngày/người. Làm gần 20 ngày nay rồi mà vẫn chưa thể vệ sinh xong ao đầm. Vụ nuôi 2016 này đã bị chậm thời vụ cả tháng trời, rủi ro cuối vụ tăng lên bội phần”.

img

Vựa ngao thôn Mai Lâm chết trắng, nhiều hộ nuôi phải thuê lao động vớt đi đổ.

Khi tôi hỏi về thiệt hại, ông Thành cho hay: “Chưa bao giờ dân nuôi ngao thất thu lớn như thế này. Những năm trước dịch bệnh hay chết rét thì chỉ bị cục bộ, rải rác, còn năm nay, sau đợt rét đậm khoảng 10 ngày khi nước thủy triều rút, bà con nhìn xuống đầm thấy ngao chết nổi lên trên mặt đất dày đặc, bạt ngàn, nhà nào nhà nấy xót hết cả ruột gan”.

Sau đợt rét đậm đầu năm, 6/10ha ngao của ông Thành bị chết rét. “Riêng tiền ngao giống tôi đã mất đứt 1,8 tỷ đồng, nhưng nếu tính theo thu hoạch ngao thịt, vụ ngao này gia đình tôi thiệt hại trên dưới 5 tỷ đồng”, ông Thành chia sẻ.

Ông Lê Xuân Hùng, trưởng thôn Mai Lâm thả nuôi 100 tấn giống/15ha, tương đương 4 tỷ đồng. Khi tôi đến, ông đang ngồi nhẩm tính tiền lãi ngân hàng để chuẩn bị đem đi nộp.

Ông Hùng cho hay, trước mỗi vụ thả nuôi gia đình ông cầm cố nhà đất vay ngân hàng trên dưới 2 tỷ đồng để đầu tư. Sau khi thu hoạch xong ngao lại đem đi trả, vụ nuôi sau tiếp tục quay vòng đi vay.

“Dự định của tôi là tháng 6 này có thể trả hết nợ, chờ sang năm 2017 vay tiếp nhưng vụ ngao 2015 thất bát nên mỗi tháng phải kiếm gần 20 triệu nộp lãi ngân hàng thêm năm nữa”, ông Lê Xuân Hùng nói. Nhà ông Hùng có 6/15ha ngao bị chết, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng tiền đầu tư.

“Nói thật bây giờ nhìn nhà nào cũng khang trang, bề thế nhưng thực chất đang bi đát lắm, nợ ngân hàng chồng chất. 44 hộ nuôi ngao ở thôn Mai Lâm đều nợ ngân hàng cả. Nhà ít thì vài ba trăm triệu, hộ nhiều lên đến 2 - 3 tỷ đồng.

Năm nay, thiệt hại do rét đã đành, số ngao sống còn lại cũng ế ẩm, giá rẻ 10.000 - 11.000 đ/kg. Như các vụ ngao trước đến giờ này tôi đã bán được tầm 1 tỷ đồng nhưng năm nay mới được chưa đầy 20 triệu, không đủ trả lãi ngân hàng”, ông Hùng ngao ngán.

Theo thống kê từ UBND xã Mai Phụ, tính đến thời điểm này, toàn xã bị thiệt hại tổng diện tích 88ha. Ngoài ra, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại cũng đã làm 130ha ngao ở 2 xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà) chết trắng.

Vụ ngao 2015 thất bát lớn nhưng các hộ nuôi ở thôn Mai Lâm không đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ mà mong muốn tỉnh, huyện, xã cần chi trả kịp thời chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, ngày 20.5.2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

img

Ông Thành đang giữ gần chục giấy báo nộp tiền lãi và lãi suất hỗ trợ được hưởng của ngân hàng, mà theo bà Đào giấy này phải nộp lên xã mới được nhận tiền.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ nhiệm HTX nuôi ngao Việt Hồng, thôn Mai Lâm, nói: “Tiền lãi tháng nào chúng tôi cũng nộp cho ngân hàng đẩy đủ, trong khi lãi suất hỗ trợ phải 6 - 7 tháng mới được chi trả một lần. Khi phản ánh lên ngân hàng, UBND xã, họ đều bảo do tỉnh chưa có tiền nhưng không biết có đúng như cán bộ nói hay tiền lãi suất hỗ trợ đang nằm ở một nơi nào đó trong ngân hàng(?!)”.

Cùng chung suy nghĩ, ông Lê Đình Thành cho hay, từ năm 2014 ông được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng của UBND tỉnh. Năm 2014 ông vay Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Lộc Hà 1 tỷ đồng, mức lãi suất gần 10%/năm; 2015 vay 2 tỷ đồng, lãi suất 8,7%/năm.

Tính đến cuối năm 2015 ông được nhận 4 lần tiền hỗ trợ nhưng “không biết tiền hỗ trợ của tháng nào lại tháng nào, vì các đợt hỗ trợ cách nhau 5 - 6 tháng nên ông không nhớ.

Trong khi đó, khi lên nhận tiền xã chỉ bảo ký tên vào sổ mà không viết cho dân cái phiếu nào để theo dõi. Bây giờ một đống giấy xác nhận nộp lãi và được hưởng lãi suất hỗ trợ do ngân hàng gửi về chúng tôi đang cất giữ trong nhà”, ông Thành cho hay.

Trao đổi với NNVN, bà Từ Thị Đào, Kế toán ngân sách xã Mai Phụ thừa nhận, có thực trạng chi trả hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho người nuôi ngao chậm. Một số đợt phải 6 tháng mới có tiền, thậm chí từ tháng 8.2015 đến nay tỉnh vẫn chưa phân nguồn hỗ trợ để xã chi trả cho các hộ được hưởng chính sách. Xã cũng đã có tờ trình phản ánh việc này nhưng không được.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT Lộc Hà cho hay, huyện đã làm văn bảo báo cáo tình hình thiệt hại với tỉnh, rất mong tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần nào đó tiền vốn cho người nuôi trồng. Còn về phía huyện, hiện tại do đang phải dành nguồn hỗ trợ cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đã phê duyệt những năm trước nên chính sách cho nuôi trồng thủy sản, trong đó có con ngao chưa cân đối được nguồn.

Thanh Nga (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem