Ngày đầu giãn cách xã hội tại Đà Nẵng: Hàng hoá dồi dào, tiểu thương không "ép giá"
Ngày đầu giãn cách xã hội tại Đà Nẵng: Hàng hoá dồi dào, tiểu thương không "ép giá"
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ ba, ngày 28/07/2020 05:53 AM (GMT+7)
Ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, theo khảo sát của PV Dân Việt, tại các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP.Đà Nẵng giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, hàng hóa tiêu dùng dồi dào, sức mua không có sự đột biến.
Ngày 27/7, theo ghi nhận của PV Dân Việt, trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm của người dân tại Đà Nẵng diễn ra khá bình thường, không có gì đột biến, giá cả các mặt hàng ổn định, không có mặt hàng nào tăng giá.
Tại chợ đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), nơi có đông các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Không khí mua sắm của người dân vẫn diễn ra như thường ngày, thậm chí còn ít người mua hơn mọi khi.
"So với đợt giãn cách xã hội trước, thì đợt này, sức mua của người dân không nhiều bằng, giá cả của cửa hàng cũng giữ nguyên như trong những ngày qua, giá gạo cỏ may có giá từ 13.000 đồng/1kg, các loại gạo, nếp khác thì có giá giao động từ 12.000 - 20.000 đồng/kg tùy theo loại…", chị Nguyễn Thị Thương, chủ cửa hàng gạo tại chợ đầu mối Hòa Cường nói.
Tại chợ Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) hoạt động mua bán vẫn diễn ra nhộn nhịp, người dân có ý thức cao tự giác chấp hành quy định phòng dịch.
Bà Trương Thị Thu, chủ quầy hàng tạp hóa chia sẻ: “Để hoạt động mua bán diễn ra bình thường nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thì chúng tôi luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người mua. Sức mua hàng tại quầy có phần tăng nhưng không đáng kể, hàng hóa luôn có giá bình ổn, đủ cung cấp cho người dân, không có mặt hàng nào có sức mua đột biến”.
“Tôi bán thịt heo ở chợ này hơn 5 năm rồi, giá cả ngày hôm nay vẫn bình thường, người dân nay bình tĩnh lắm, không ép giá họ được đâu. Thường ngày tôi vẫn bán từ 20-30kg thịt heo/ngày, giá cả thịt heo thì dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại”, chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Đống Đa nói.
Trước khi vào chợ phải sát khuẩn tay
Trước đó, ngày 26/7, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng đã có Công văn số 1318 gửi Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng; Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; BQL các chợ quận, huyện; và các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tại chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), các tiểu thương đều tuân thủ chấp hành việc đeo khẩu trang suốt quá trình trao đổi, bán buôn. Đặc biệt, hoạt động mua bán tại các gian hàng rau, củ, quả có phần nhộn nhịp hơn so với trước.
Cô Ngân, tiểu thương gian hàng rau củ tại chợ Bắc Mỹ An nói: “Từ khi có thông báo giãn cách xã hội và cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, thì hàng rau của tôi bán rất chạy.
Mọi người có tâm lý mua trữ thức ăn vài ngày nên tôi phải bán luôn tay từ sáng tới chiều và nhờ con trai phụ bán mới kịp, giá cả ổn định, 8.000 đồng/bó rau cải, rau muống, mồng tơi; 7.000 đồng/bó rau dền; bí đao 8.000 đồng/kg”.
Còn tại chợ Cẩm Lệ (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), hoạt động giao thương vẫn diễn ra ổn định và được giám sát chặt chẽ. Bất kỳ ai trước khi vào chợ phải sát khuẩn tay và đeo khẩu trang phòng dịch. Lượng hàng hóa về chợ luôn đảm bảo cung cấp đủ cho người dân nên tại chợ không diễn ra tình trạng đổ xô, chen lấn mua trữ hàng hóa.
Chị Hương, chủ quầy hàng gia vị tại chợ Bắc Mỹ An cho biết, vì dịch đang có diễn biến khó lường nên các chị em tiểu thương ở chợ luôn chấp hành nghiêm túc quy định phòng dịch. Đây là lần thứ 2 thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên chị không quá lạ lẫm, nguồn hàng luôn dồi dào và đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế, mọi hoạt động mua bán tại chợ rất bình ổn, ít ai mua hàng dự trữ dịch.
Theo quan sát của phóng viên, tại các quầy hàng bán gạo và hàng đồ thực phẩm khô trên địa bàn TP.Đà Nẵng, sức tiêu thụ không gia tăng đột biến, người dân chỉ mua sắm theo nhu cầu thiết yếu chứ không mua tích trữ.
Tất cả các mặt hàng từ tươi sống, đông lạnh, đồ khô, trái cây được nhập số lượng lớn về các chợ dân sinh. Điều này góp phần bình ổn thị trường và giúp người dân thành phố Đà Nẵng an tâm phòng chống dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.