Ngày hôm nay, những chính sách mới nào có hiệu lực?

Thứ tư, ngày 01/01/2014 07:10 AM (GMT+7)
Từ ngày 1.1.2014, hàng loạt chính sách liên quan đến đời sống người dân bắt đầu có hiệu lực.
Bình luận 0
Tăng lương tối thiểu vùng

Chính thức từ 1.1.2014, mức lương tối thiểu cho người lao động được điều chỉnh tăng - Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, nêu rõ.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp cụ thể: Vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.

Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng quy định như trên cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương bảo đảm mức tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Mức tiền thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động cao hơm mức lương tối thiểu vùng quy định tại nghị định này.

Mức phí đường bộ mới

Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ quy định: Mức phí đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 15.000 - 52.000 đồng; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 20.000 - 70.000; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet là 40.000 - 140.000; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet từ 80.000 - 200.000 đồng.

Cũng theo thông tư của Bộ Tài chính, lộ trình áp dụng mức phí này là: Năm 2014, áp dụng mức thu tối đa không quá 2,5 lần mức thu tối thiểu khung (riêng mức thu xe nhóm 5 tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung).

Lại phạt xe không chính chủ

Theo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mới được ban hành, kể từ ngày 1.1 này, đối với những xe máy và ô tô không chính chủ sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, với cá nhân là chủ môtô, xe máy không làm thủ tục đăng ký, sang tên xe (để chuyển đổi tên chủ xe trong giấy đăng ký sang tên mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là môtô, xe máy sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng. Với tổ chức là chủ xe, hành vi này bị phạt từ 200.000-400.000 đồng.

Trước đó, việc phạt xe không chính chủ được Bộ Công an ban hành ở Thông tư số 11 (ban hành ngày 1.3). Theo thông tư này, đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng đối với mô tô, xe gắn máy; 6 - 10 triệu đồng đối với ô tô. Tuy nhiên, hình thức xử phạt vi phạm này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận.
Nhóm P.V (Nhóm P.V)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem