Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 30/07/2022 13:01 PM (GMT+7)
Ngày làm việc cuối cùng sau thời gian dài gắn bó với 5 tuyến bus của Công ty TNHH Bắc Hà, nhiều tài xế tỏ ra tiếc nuối và mong chờ công việc mới tốt hơn tại đơn vị vận hành mới, có người tạm nghỉ việc một thời gian.
Bình luận 0

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà 

Sáng ngày 30/7, nhiều hành khách tất bật lên, xuống xe bus số 41,42 do Công ty TNHH Bắc Hà vận hành, quản lý tại khu vực bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Một ngày trước khi kết thúc công việc của mình cảm xúc của tài xế Đào Tùng Lâm (44 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có thật nhiều kỷ niệm.

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Clip: Gia Khiêm

Anh Lâm chia sẻ, đã gắn bó với chiếc xe bus số 41 (tuyến Bến xe Giáp Bát – Nghi Tàm) đã hơn 4 năm qua. Suốt 1 tháng nay kể từ khi nghe tin tuyến bus này dừng hoạt động và sẽ do đơn vị khác vận hành anh và hàng trăm nhân viên khác rất buồn.

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 2.

Khách đợi xe bus Bắc Hà tại bến xe Giáp Bát sáng ngày 30/7. Ảnh: Gia Khiêm

"Theo thông báo thì chúng tôi sẽ chạy đến hết ngày 31/7. Sau khi kết thúc ngày làm việc tài xế có trách nhiệm lái xe sang bãi xe ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội cho công ty, chờ thanh lý hợp đồng. Theo thông tin chúng tôi nắm được, tuyến bus này sẽ do Xí nghiệp xe điện Hà Nội tiếp quản. Sau 1/8 ai có nhu cầu sẽ ký hợp đồng với đơn vị mới hoặc có nguyện vọng xin nghỉ làm công việc khác đều được", anh Lâm cho hay.

Theo anh Lâm, trước mắt sau khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng sẽ nghỉ ngơi ở nhà nửa tháng, chờ thanh lý hợp đồng. Sau đó anh sẽ suy nghĩ xem có tiếp tục gắn bó với công việc tại đơn vị mới hay không.

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 3.

Anh Lâm cho biết, bản thân rất buồn khi tuyến bus Bắc Hà dừng hoạt động, anh sẽ tạm nghỉ ngơi nửa tháng rồi quyết định công việc của mình ở nơi mới. Ảnh: Gia Khiêm

"Cảm xúc của tôi ngay lúc này rất buồn. Tôi đã cầm vô lăng chiếc xe bus này hơn 4 năm qua với nhiều kỷ niệm. Tuyến 41 đơn vị mới tiếp quản xa, bãi xe thuộc khu vực Thạch Bàn, quận Long Biên nên nhiều anh em đang ngần ngại, có người xin nghỉ để tìm công việc phù hợp hơn", anh Lâm cho biết thêm. 

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Trịnh Xuân Cường (40 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đã lái xe bus tuyến 42 (Bến xe Giáp Bát – Đức Giang) được 3 năm. Theo anh Cường, 2 tuyến bus số 42,44 do Công ty TNHH Bắc Hà quản lý trước đây sẽ được chuyển giao nhân sự sang Công ty cổ phần xe khách Gia Lâm. Tuyến 43 sẽ về Công ty liên doanh VCQT Hải Vân và tuyến 41,45 về Xí nghiệp xe điện Hà Nội nhưng nhiều tài xế tuyến này xin nghỉ vì bãi xe ở xa, nhiều người thấy không phù hợp.

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 4.

Anh Cường cho biết, đã ký hợp đồng với đơn vị tiếp quản mới nhưng chưa rõ mức lương. Ảnh: Gia Khiêm

"Chúng tôi cũng vừa ký hợp đồng với đơn vị tiếp quản mới nhưng cũng chưa rõ mức lương cụ thể thế nào. Việc UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội trước việc Công ty TNHH Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng thầu đối với 5 tuyến bus có trợ giá tôi nghĩ hợp lý. Hôm nay phía đơn vị mới tiếp quản có cử người khảo sát lượng khách, số chuyến từ đó họ mới tính ra mức lương cho tài xế, phụ xe", anh Cường nói.

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 5.

Hành khách ngồi trên xe bus số 44 của Bắc Hà tại Bến xe Mỹ Đình trưa ngày 30/7. Ảnh: Gia Khiêm

Còn đối với Công ty TNHH Bắc Hà, theo anh Cường, toàn bộ nhân viên cũng đã nhận được thông báo về việc công ty chi trả các khoản hỗ trợ như đền bù hợp đồng, tiền nghỉ phép, tiền nghỉ việc từ 1-15/8. Hiện tại nhiều tài xế, phụ xe làm hết ngày 31/7 sau đó sẽ chờ công việc cụ thể tại đơn vị mới. 

 Số phận 57 xe bus Bắc Hà sẽ ra sao khi dừng chạy? 

Chia sẻ với PV, anh Trần Văn Lương, tài xế tuyến 44 (Bến xe Mỹ Đình – Trần Khánh Dư) cho biết, anh đã ký hợp đồng với đơn vị tiếp quản mới nhưng chưa được thông báo về mức thu nhập cụ thể.

"Làm việc hết tháng này xong chúng tôi sẽ chờ sắp xếp công việc tại đơn vị mới. Tôi gắn bó với tuyến bus số 44 này cũng đã hơn 10 năm. Cảm giác không chỉ riêng tôi mà nhiều tài xế vô cùng tiếc nuối", anh Lương nói.

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 6.

Anh rần Văn Lương, tài xế tuyến 44 (Bến xe Mỹ Đình – Trần Khánh Dư) chia sẻ, gắn bó với tuyến bus này cũng đã hơn 10 năm. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Công ty TNHH Bắc Hà cho biết, đến ngày 15/8 tới đây công ty sẽ chấm dứt hợp đồng cho người lao động để người lao động đủ điều kiện thụ hưởng ngay chế độ lương thất nghiệp, bảo hiểm do BHXH thành phố chi trả hàng tháng theo quy định.

Về toàn bộ 57 ô tô phục vụ 5 tuyến bus số 41 đến 45 đều được Công ty Bắc Hà thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh. Theo lãnh đạo công ty cho biết, số phận những xe trên sẽ do ngân hàng xử lý.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội trước việc Công ty TNHH Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng thầu đối với 5 tuyến bus có trợ giá (tuyến bus số 41, 42, 43, 44, 45).

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với phương án 1 của sở này là sẽ chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến bus.

Ngày làm việc cuối cùng của tài xế 5 tuyến xe bus Bắc Hà khi công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 7.

Hình ảnh xe bus Bắc Hà từ bến xe chung chuyển khách. Ảnh: Gia Khiêm

UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục; tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP những vấn đề vượt thẩm quyền; giao các sở Kế hoạch và đầu tư, Tài chính hướng dẫn Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai bảo đảm theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Ngày 30/6 vừa qua, Công ty TNHH Bắc Hà đề nghị Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan chấp thuận cho ngừng khai thác 5 tuyến xe bus mang số hiệu 41, 42, 43, 44, 45 kể từ ngày 1/8/2022 vì điều kiện bất khả kháng là bị thu hồi tài sản thế chấp là xe bus đang vận hành trên tuyến, do không có khả năng thanh toán các khoản vay ngân hàng đến hạn và hết vốn lưu động.

Bắc Hà là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus theo chủ trương của HĐND và UBND TP Hà Nội từ năm 2005 đến nay. Sau gần 17 năm hoạt động, Công ty Bắc Hà đã quản lý vận hành 5 tuyến xe bus số hiệu 41, 42, 43, 44, 45.

Theo lãnh đạo Công ty Bắc Hà, qua 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, lĩnh vực vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam (27/4/2021), tâm dịch ban đầu chính là ở Bắc Giang, nơi Công ty Bắc Hà đặt trụ sở chính nên hoạt động kinh doanh dừng hẳn trong thời gian dài.

Do không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng.

Toàn bộ 57 ô tô phục vụ 5 tuyến buýt số 41 đến 45 đều được Công ty Bắc Hà thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh. Ngày 24/6, Công ty Bắc Hà nhận được thông báo đã nợ quá hạn 55 ngày đối với số tiền gốc hơn 56,511 tỉ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem