Sáng mùng 2 Tết Mậu Tuất, tôi xuất hành và chọn điểm đến là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, Quảng Ninh). 10h đến nơi, tại bãi đỗ xe đã thấy hàng chục chiếc đậu ngay ngắn rồi.
Thiền viện u nhã, tĩnh lặng. Du khách tự nhiên bước đi chậm rãi dưới bóng thông già. Ở đâu, khách cũng dễ dàng tìm cho mình một chỗ nghỉ chân lý tưởng. Nơi Trai đường rợp màu hoa cánh bướm; dưới gốc đa trăm tuổi lặng nghe tiếng chuông gió vui tai; đến Dưỡng chân đình ngắm xem bầy cá lội; tòa bảo tháp chỉ thấy đôi bóng chim câu...
Làn gió mang theo mùi thơm của hàng trăm loài hoa cỏ thật dễ chịu. Rồi có một khoảnh khắc lặng gió, hàng cây ngọn cỏ đang dồn dập bỗng im lìm như ngủ. Giữa lúc ấy, tiếng chuông trên Chánh pháp đường vang lên nhè nhẹ, điểm vào không gian sự yên bình, thư thái đến lạ kỳ.
Sáng mùng 2 Tết đã có rất đông người đến Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Nhưng dù lúc đông người hay vắng vẻ, cả Thiền viện đều toát lên vẻ tĩnh lặng, u nhã. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Khách có thể dễ dàng tìm cho mình một nơi yên tĩnh, thư thái để tọa thiền. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Hoặc dạo bước dưới muôn loài hoa khoe sắc. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Dưới gốc đa già linh thiêng khấn nguyện, cầu an. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Nghe tiếng chuông gió vui tai trước cửa La Hán đường. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Hay ngắm đàn cá lội, rùa bơi khi ngồi nghỉ tại Dưỡng chân đình. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Bóng áo vàng thiền sư thấp thoáng gợi nét bình an, phẳng lặng. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Khách đến Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử thấy sự trang nghiêm mà cũng tự thấy mình cần theo phép tắc, không gây ồn ào khi đi lại, khám phá ngôi chùa. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Thiền đường là nơi dành cho cả thiền sư lẫn Phật tử tập tu tọa thiền. Đây cũng là nơi tĩnh lặng nhất trong Thiền viện. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.