Theo TS Trịnh Hòa Bình, sự tử tế không dễ gì tới. Điều này trải qua sự rèn luyện khổ cực, thậm chí là đấu tranh gay gắt trong mỗi con người. Trong con người bao giờ cũng có phần thiện và ác, muốn sống tử tế, làm việc tử tế, mỗi người cần rèn luyện, nuôi dưỡng tâm hồn tốt. Người tốt, có trái tim nhân ái, biết sẻ chia, biết làm việc thiện, việc chính nghĩa chính là người tử tế.
Theo ông, thế nào là người tử tế? Nhận diện một người tử tế bằng cách nào?.
- Theo tôi, người tử tế là người biết đối xử đúng mực với tất cả mọi người. Giữ lời hứa, đã hứa là phải làm; hành động giúp đỡ mọi người bằng tấm lòng chân thật, không vì danh lợi. Kèm theo đó là những đức tính vốn có của một con người đích thực.
TS Trịnh Hòa Bình
Tử tế không đơn giản chỉ là lòng tốt mà còn có nghĩa rộng hơn. Con người tử tế là con người hướng tới sự tốt đẹp, hoàn mỹ, tượng trưng cho chủ nghĩa nhân văn và xu hướng vận động của xã hội. Theo tôi, nội hàm của từ "tử tế" có ý nghĩa rất rộng, không đơn giản chỉ là làm việc tốt, mà nhiều khi chỉ là những việc đơn giản rất nhỏ nhặt. Ví dụ: Trả một món nợ đúng lời hứa, dù người đang đó khó khăn; đưa một bà cụ sang đường; nhường ghế xe bus cho một người phụ nữ mang bầu...
Hoặc sự tử tế đến từ ngay những người được nhận lòng tử tế. Ví dụ: Những người nghèo được mọi người trao quà từ thiện, họ có thể chỉ nhận một phần vừa đủ, còn lại nhường người khác khó khăn hơn... Tất cả những việc như vậy đều được coi là việc tử tế. Việc tử tế sẽ hình thành nên những con người tử tế.
"Sự tử tế không bỗng dưng mà có, nó cần phải được trau rồi, rèn luyện, bồi dưỡng vun đắp cho tâm hồn mỗi con người" - TS Trịnh Hòa Bình |
Người tốt, có trái tim nhân ái, biết sẻ chia... chính là người tử tế.
Hiện nay, trong xã hội xuất hiện nhiều những câu chuyện buồn như: Nam xe ôm đánh ông lão 80 tuổi vì hiểu lầm, chồng đánh vợ tới chết, rồi bạo lực học đường... khiến nhiều người nghĩ rằng sự tử tế đã bị xóa sổ? Liệu điều có đúng như vậy không, thưa ông?
- Thực ra, nếu nói rằng lòng tốt, sự trắc ẩn đã bị xóa sổ là không đúng. Điều này chỉ xuất hiện thưa vắng hơn và nó là lối hành xử ít phổ biến hơn trong xã hội mà thôi. Chính bởi điều đó hiện nay chúng ta đang phải tìm cách tôn vinh nhiều hơn con người tử tế, sự kiện tử tế...
Đấy là chưa kể một bộ phận con người nhân danh việc tử tế, nhưng thực chất là lợi dụng việc tử tế để làm những chuyện sai trái. Ví dụ, có thể kể tới một số cá nhân nhận từ thiện nhiều tiền để nhận được sự tôn vinh, ngưỡng vọng, qua đó tạo vỏ bọc cho việc kinh doanh phi pháp.
Rõ ràng, nếu lập luận như vậy, những giá trị nhân văn đang bị nghèo đi, việc tử tế đương nhiên cũng ít hơn trong xã hội hiện tại. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định là ít nhưng không phải không tồn tại. Xã hội còn tồn tại nhiều câu chuyện tử tế. Có thể kể tới vụ việc cô giáo miền xuôi lên bám bản núi cao dạy học cho trẻ nhỏ; hình ảnh trụ trì ở các ngôi chùa nhận nuôi trẻ mồ côi; hình ảnh chiến sĩ công an giao thông dắt em nhỏ, cụ già qua đường...
Sự tử tế đơn giản là hành động đưa bà cụ sang đường. Ảnh I.T
Theo ông, cần làm gì để nhân lên sự tử tế trong mỗi con người và trong xã hội?
- Thực tế, việc tử tế liên quan nhiều tới câu chuyện giá trị. Đã là giá trị thì rất khó cân đo đong đếm. Tất nhiên, nếu ta lược hóa sự việc một cách cơ học thì có thể khuyến khích được sự tử tế thông qua hệ thống chính sách quản lý.
Ví dụ, trong lĩnh vực từ thiện, nếu một tổ chức cá nhân mà có sự đầu tư cho khu vực yếu tế hoặc cá nhân khó khăn, người khuyết tật... thì sẽ được hưởng những cơ chế khuyến khích ưu đãi về thuế, về đất đai, thuê mặt bằng... Điều này là có thực và cần đặt ra vấn đề “luật hóa” cơ chế để tôn vinh giá trị, những con người tử tế nhằm nhân rộng việc tử tế, con người tử tế, những tổ chức tử tế trong xã hội.
Những việc làm tốt cần được nhân rộng trong xã hội.
Tuy nhiên, theo tôi, ngoài việc ban hành một số cơ chế, khuyến khích để toàn xã hội thực hành sự tử tế, việc quan trọng hơn cần làm chính là cổ vũ động viên, kích hoạt sự tử tế trong mỗi cá nhân, tổ chức. Phải thông qua những hội nghị biểu dương, tôn vinh sự tử tế để có thể nhân rộng lòng tốt.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường sự giáo dục đạo đức, lòng tốt sự tử tế trong nhà trường, gia đình cho mỗi con người, ngay từ khi còn nhỏ. Hiện nay, giáo dục của chúng ta mới chỉ thiên về giáo dục trí tuệ mà còn xem nhẹ giáo dục đạo đức, điều này tác động không nhỏ tới sự hình thành lòng tốt và sự tử tế trong mỗi con người ngay từ nhỏ.
Điều này cần phải được xem lại, bởi vì sự tử tế không bỗng dưng mà có, nó cần phải được trau rồi, rèn luyện, bồi dưỡng vun đắp cho tâm hồn mỗi con người.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.