Ngày tựu trường trong lớp học tranh tre nứa lá của học sinh miền núi xứ Thanh
Ngày tựu trường trong lớp học tranh tre nứa lá của học sinh miền núi xứ Thanh
Thứ bảy, ngày 03/09/2022 15:19 PM (GMT+7)
Thiếu lớp học kiên cố buộc người dân và giáo viên phải góp tranh tre để dựng phòng học cho các em học sinh ở khu điểm lẻ của Trường Mầm non và tiểu học Phú Xuân, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa).
Điểm lẻ trường Mầm non và trường Tiểu học Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) nằm ở phía bên kia bờ sông Mã, phục vụ cho học sinh các bản Phé, Mí, Bá, xã Phú Xuân. Để đến được điểm trường này, chúng tôi phải đi đò qua sông Mã. Con đò chòng chành theo sóng nước, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là mùa mưa bão.
Bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, từ năm 2018, khi lũ cuốn trôi cây cầu treo, người dân và học sinh buộc phải đi đò qua sông. Điều này nguy hiểm đối với các em nhỏ. Do vậy, học sinh tiểu học và mầm non ở các bản Phé, Mí, Bá không thể đến trung tâm xã theo học.
Để phục vụ việc học cho các em, địa phương buộc phải duy trì điểm trường lẻ. Tuy nhiên, không có kinh phí xây dựng lớp học kiên cố, nên nhà trường phải huy động phụ huynh học sinh đóng góp vật liệu gồm: tranh tre, bạt, luồng...để dựng lớp học tạm trước thềm năm học mới.
Điểm lẻ Trường Mầm non Phú Xuân nằm ở bản Phé với gần 60 học sinh từ 18 -24 tháng tuổi.
Trước ngày tựu trường, phụ huynh và giáo viên tất bật sửa sang phòng học để các em có lớp trước ngày tựu trường. Ngoài 2 phòng học kiên cố được một tổ chức từ thiện xây dựng 2 năm trước, nhà trường còn phải dựng thêm 2 phòng học bằng tranh tre như vậy. Cứ đến năm học mới, thôn bản lại họp bàn, mỗi gia đình có con nhỏ đi học đều góp công, góp vật liệu để dựng phòng học mới cho các con.
Khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến ngày khai giảng năm học mới, chúng tôi có mặt tại bản Phé. Lúc này trời đã quá trưa nhưng bà con và giáo viên vẫn chưa nghỉ ngơi. Người căng lại bạt, người chống lại cột kèo để mùa mưa các con không bị dột; các cô giáo thì mang bàn ghế, bát đĩa ra rửa để chuẩn bị đón các con vào năm học.
Lớp học lợp mái tre, vách nứa và nền đất. Những chiếc ghế học sinh cũ kỹ, có cái gãy chân, cái thì mặt ghế nham nhở do mối mọt. Cô Hà Thị Huých đang cố lau dọn, sắp xếp lại cho tươm tất. Cô dùng những miếng giấy màu dán lên vách tạo thành những khóm hoa, trông căn phòng bớt lạnh lẽo.
“Mỗi khi trời mưa gió, chúng tôi phải đưa học sinh đi tìm chỗ trú vì sợ lớp học bị gió thốc đổ sập. Còn mùa đông thì gió lùa lạnh thấu xương, thương học sinh lắm mà không biết làm sao”, cô Huých nói.
Cô giáo Lương Thị Tâm cũng tâm sự: “Vào mùa mưa bão, nếu nước sông to, đò không đi được thì 4 cô giáo bên kia sông cũng phải nghỉ dạy, 2 cô giáo là người trong bản sẽ phải trông hết tất cả các con. Không những vậy, thức ăn không đưa bên kia sông sang được thì giáo viên lại phải góp tiền mua trứng và hái rau rừng nấu cho các con ăn”.
Vận động học sinh đến trường
Với các cô giáo cắm bản, không chỉ lo gia cố lớp học, các cô còn phải đến nhà các học sinh để vận động phụ huynh đưa các con đến trường. Có những nhà cách trường 3km đường rừng, các cô phải đi bộ nhưng vì nhiệt huyết với công việc, không ai quản ngại vất vả.
“Đi vào bản Bá đường xa, không thể đi xe được, chỉ có thể đi bộ nên phụ huynh có tâm lý e ngại khi đưa trẻ ra lớp hoặc do một số gia đình khó khăn vì thế trước ngày tựu trường khoảng nửa tháng là chúng tôi bắt đầu chia nhau đi đến từng gia đình có con nhỏ đến tuổi đi học để vận động. Để đi hết các gia đình cũng phải mất cả tuần”, cô giáo cho hay.
Cô giáo Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân cho biết, toàn trường cho 114 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Trường chia có 2 điểm, khu chính ở bản Pan và khu lẻ bên kia sông nằm ở bản Phé.
"Điểm chính cơ bản ổn định về cơ sở vật chất, tuy nhiên điểm lẻ thì còn khó khăn rất nhiều, mới có 2 phòng học của đoàn thiện nguyện họ đầu tư xây dựng, hiện vẫn đang thiếu 2 phòng học kiên cố, 1 nhà bếp. Mong sao sớm có một cây cầu để có thể đưa học sinh ra điểm chính học tập được tốt hơn”, cô Dung mong muốn.
Ngay gần trường mầm non là điểm lẻ của trường Tiểu học Phú Xuân, các phụ huynh cũng đang phải dựng thêm lớp học tranh tre cho học sinh bởi không đủ phòng học kiên cố.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá cho biết, học sinh các bản Phé, Mí, Bá vẫn phải học trường điểm lẻ, gặp nhiều khó khăn là do ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ. Dự án thiếu vốn dẫn đến việc không xây dựng được cây cầu treo cho người dân và các công trình dân sinh khác. Nếu có cầu, học sinh có thể đến điểm trường chính để theo học.
Theo ông Dũng, dù chính quyền địa phương rất mong muốn tháo gỡ những khó khăn này nhưng do những công trình thuộc trách nhiệm hoàn trả của Thuỷ điện Hồi Xuân nên không thể sử dụng vốn địa phương để đầu tư.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 800 phòng học tạm bợ, 2.700 phòng học bán kiên cố xuống cấp, hơn 500 phòng học nhờ, mượn, chủ yếu thuộc các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.