Nghệ An: Truy vấn trách nhiệm tỉnh sau các vụ phá rừng đầu nguồn

Cảnh Thắng Thứ tư, ngày 04/10/2017 18:09 PM (GMT+7)
Cuộc họp báo của UBND tỉnh Nghệ An chiều ngày 4.10 trở nên "nóng" khi nhiều phóng viên báo đài yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, Sở NNPTNT, Chi cục Kiểm lâm trả lời về tình trạng phá rừng tại tỉnh này.
Bình luận 0

Chiều ngày 4.10, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp báo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2007.

Cuộc họp báo trở nên "rất nóng" khi các phóng viên của các cơ quan báo chí đề cập đến những vụ phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ... liên tiếp xảy ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay.

img

Vụ phá rừng phòng hộ và chuyển đổi mục đích trái phép tại xã Nam Sơn, Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị cơ quan điều tra Công an huyện Quỳ Hợp khởi tố, xem xét trách nhiệm của 10 lãnh đạo huyện, xã có liên quan. Ảnh: Cảnh Thắng

Lý giải vấn đề này, tại cuộc họp báo ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, phụ trách lâm nghiệp ghi nhận và cảm ơn các cơ quan báo chí phối hợp với các ngành liên quan làm rõ những vụ phá rừng diễn ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay. Vai trò của PV trong việc phát hiện các vụ phá rừng rất quan trọng, các nhà báo đã phán ánh kịp thời, đưa thông tin chính xác các vụ phá rừng trên địa bàn.

"Từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ phá rừng nghiêm trọng, chia thành 2 nhóm: Nhóm khai thác trọng điểm lâm sản và nhóm phá rừng chuyển đối mục đích sử dụng trái phép. Trong 5 vụ thì có thì có 4 vụ đã được cơ quan điều tra khởi tố, còn 1 vụ đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra...”, ông Lâm báo cáo.

img

Vụ việc phá rừng phòng hộ ở xã Nam Sơn, Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng khi hơn 100h rừng bị tàn phá một cách chóng mặt. (Ảnh: Cảnh Thắng)

“Hiện các cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục điều tra và làm rõ hành vi cũng như truy rõ nguồn gốc các vụ phá rừng. Với tư cách là cơ quan chuyên môn, tôi nhận định rừng Nghệ An là rừng giàu được phân bổ ở khu vực giáp biên giới Việt - Lào. Tính cả nước thời điểm này, chưa có khu rừng nào giàu có như của Nghệ An ở khu vực giáp ranh biên giới. Do đó, việc bảo vệ rừng cực kỳ khó khăn. Kèm theo đó tuyến biên giới mở, đường xá thuận lợi hơn cho việc phá rừng và khai thác rừng trái phép...” - ông Nguyễn Tiến Lâm giãi bày.

Ông Lâm cũng cho biết thêm: “Từ năm 2016 đến năm 2017, lực lượng bảo vệ rừng ở Nghệ An chưa được một đồng nào để bảo vệ rừng, vừa rồi chúng tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ nhưng vô cùng khó khăn?!”.

img

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT phụ trách lâm nghiệp. (Ảnh: Cảnh Thắng) 

Trong khi đó, liên quan đến những câu hỏi của các cơ quan báo chí trong việc gặp khó khi tác nghiệp cũng như trách nhiệm Đồn biên phòng các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An) khi để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng trên địa bàn, đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, Thượng tá Hoàng Nghĩa Quân – Chánh Văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: “Báo chí phải có giấy giới thiệu và được sự đồng ý của cấp trên mới được vào khu vực biên giới. Chúng tôi không bao che cho các vụ phá rừng, chúng tôi có trách nhiệm giám sát và bảo vệ tài nguyên vùng biên giới...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem