Nghề bảo tiêu trong lịch sử Trung Hoa có giống như trên phim?
Nghề bảo tiêu trong lịch sử Trung Hoa có giống như trên phim?
PV
Thứ tư, ngày 27/11/2024 22:40 PM (GMT+7)
Theo sự phát triển của xã hội, đặc biệt là thương nghiệp, việc đi lại buôn bán giữa nam và bắc Trung Quốc càng lúc càng nhiều, bảo tiêu trở thành một nghề chuyên nghiệp mang tính thương mại, đầu tiên là cá thể.
Bảo tiêu là một nghề khá phổ biến thời Trung Quốc cổ đại. Người làm nghề bảo tiêu được gọi là tiêu sư. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ tài sản của thương nhân. Do giao thông bất tiện, hàng hóa vận chuyển trên đường thường bị bọn phỉ tập kích cướp bóc, uy hiếp trực tiếp sự an toàn về tài sản và mạng sống của giới thương nhân lữ khác. Từ đó nghề bảo tiêu có điều kiện ra đời để phục vụ, bảo đảm sự an toàn cho giới thương nhân.
Nghề bảo tiêu chính thức ra đời từ thời Minh, Thanh, nhưng đã manh nha từ đời Đường. Trong tác phẩm truyền kỳ "Tạ Tiểu Nga" có đề cập đến dạng tiêu sư thời sơ kỳ. Tạ Tiểu Nga là con gái thương nhân, lấy chồng là Đoàn Cư Trinh - một hiệp sĩ đất Lịch Dương. Đoàn Cư Trinh là tay nam tử chính khí hiên ngang, kết giao với nhiều tuấn sĩ hào kiệt trên giang hồ. Cha của Tạ Tiểu Nga là thương nhân cự phú, thường giả trang làm người buôn bán bình thường cùng đưa con rể đi đây đó, uy danh của Đoàn Cư Trinh vô hình trung khởi tác dụng "bảo tiêu" cho việc vận chuyển hàng hóa của cha Tạ Tiểu Nga vì đám giang hồ đã biết tiếng. Dần dần về sau, bảo tiêu mang tính chuyên nghiệp và thương nghiệp.
Tiêu cục và tiêu sư
Theo sự phát triển của xã hội, đặc biệt là thương nghiệp, việc đi lại buôn bán giữa nam và bắc Trung Quốc càng lúc càng nhiều, bảo tiêu trở thành một nghề chuyên nghiệp mang tính thương mại, đầu tiên là cá thể. Đầu đời Thanh, bảo tiêu từ cá thể chuyển sang tập thể, đó chính là tiêu cục.
Tiêu cục chuyên hộ tống khách buôn cùng hàng hoá, tài sản khách buôn yêu cầu hộ tống gọi là tác tiêu, những người tiêu cục cử đi bảo vệ gọi là tiêu sư hoặc bảo tiêu. Việc làm ăn của tiêu cục là trông vào sự bảo vệ an toàn về người và của tiêu sư, vì vậy tiêu cục rất coi trọng tuyển chọn tiêu sư để bảo vệ uy tín của mình. Nếu hàng hoá nhiều lần bị đánh cướp thì tiêu cục đành đóng cửa, do đó người kinh doanh tiêu cục (tiêu đầu) thường là hạng võ lâm cao thủ, võ nghệ cao cường, quen biết rộng rãi, có uy tín trên giang hồ đảm nhận.
Tiêu đầu khi tuyển chọn tiêu sư thường là tự mình thử nghề để bảo đảm chất lượng. Tiêu sư không chỉ giỏi võ mà còn phải am tường kinh nghiệm và tri thức giang hồ. Họ không chỉ biết đoạn đường nào kẻ xấu thường xuất hiện mà còn rành về thủ đoạn, phương thức và công phu võ nghệ cao thấp thế nào. Các tiêu sư hiểu rằng nếu hành nghề bảo tiêu mà không có sự hỗ trợ của các bằng hữu giang hồ là không xong, do đó họ thường có quan hệ với đám lục lâm hảo hán theo cách này hay cách khác, hai bên đều hiểu rõ công việc của nhau và tiếp ứng khi cần thiết.
Trong thời đại còn sử dụng vũ khí nguội, súng đạn chưa phát triển, võ thuật truyền thống là phương tiện chủ yếu để con người tự vệ phòng thân hoặc tấn công kẻ khác. Ngoài việc mở hội quán để truyền dạy võ nghệ, sự xuất hiện của các tiêu cục rõ ràng đã mở ra con đường mới dùng võ thuật để mưu sinh lập nghiệp cho người luyện võ, cho phép giới võ hiệp được trực tiếp phục vụ xã hội, tự mưu sinh, vừa thúc đẩy nền võ thuật truyền thống Trung Hoa phát triển.
Các tiêu sư Vương Tử Bân, Lý Tinh Giai, Lương Chấn Phổ đều lừng danh về đại đao; những danh sư về Hình Ý Quyền, Bát Quái Chưởng xưng hùng trong giới võ lâm, đều từng là các tiêu sư lừng danh một thời. Quyền sư Lưu Chiêm Sơn nổi danh môn võ liên thủ đoản đả (tức "Câu quải tử"), xuất thân từ gia đình nhiều đời làm tiêu sư, ông nội và cha ông đều là những người dùng võ nghệ để hành nghề bảo tiêu.
Xe chở hàng áp giải của tiêu sư gọi là tiêu xa, trên xe có cờ thêu tên tiêu cục gọi là tiêu kỳ, đèn thắp trên xe gọi là tiêu đăng. Khi áp giải hàng hoá qua vùng núi non hoang vắng hoặc phố xá náo nhiệt, các tiêu sư thường hô to tên của tiêu cục mình, gọi là "hám tiêu". Hám tiêu tuy có ý uy hiếp một phần, nhắn cho kẻ xấu biết không nên vọng động, nhưng đó hoàn toàn không phải như trong tiểu thuyết hay phim kiếm hiệp nói là khoe danh tính cho bọn cường đạo nghe tiếng hoảng hốt bỏ chạy.
Mục đích chủ yếu của hám tiêu là cho bọn cường đạo nghe tiếng, mời chúng nên tránh đi, đừng động vào chén cơm của chúng ta mà làm huynh đệ mất niềm hòa khí. Cho nên hám tiêu thực chất là thỉnh cầu chứ không phải uy hiếp.
Nếu bị chặn đường hành hung thì các tiêu sư cũng phải nhẫn nhịn, qua nhiều lần thương lượng nếu không xong mới phải giao đấu. Các tiêu sư vừa mong gặp trường hợp này để thể hiện tài nghệ của mình lưu danh trên chốn giang hồ, lại vừa lo sợ vì giang hồ khó lường, loại "tàng long phục hổ" rất nhiều, rủi sơ sảy là vừa mất uy tín tiêu cục vừa thân bại danh liệt, khó vào ra trên chốn giang hồ. Cho nên theo quy định của bảo tiêu, tiêu sư khi áp giải hàng qua chốn quan phủ hay địa phương nổi tiếng là võ lâm danh gia như vùng Thương Châu ở Hà Bắc (từng mệnh danh là "Tiêu bất hám Thương Châu" - tiêu sư không hô danh tính ở Thương Châu), hay Trần Gia Câu ở Hà Nam, Hồ Châu ở Triết Giang… thì không được hám tiêu.
Ngày trước ở Bắc Kinh có 8 đại tiêu cục, trong đó nổi tiếng nhất là Kinh Đô Hội Hữu tiêu cục của Tống Vạn Luân (1809-1893) người được giang hồ mệnh danh là "Thần quyền Tống lão Vạn" mở vào thời Đồng Trị nhà Thanh. Tống Vạn Luân tinh thông "Tam tinh Pháo chùy quyền" và "Đại thương thuật", hành nghề bảo tiêu hơn 30 năm chưa từng sơ suất.
Rất nhiều cao thủ lừng danh trong võ lâm Trung Hoa từng làm tiêu sư, như danh gia Hình Ý quyền Đới Văn Hùng (1778-1873) ở Sơn Tây, danh gia võ phái Côn Luân được mệnh danh "Thông tý viên" Hồ Thất từng làm tiêu sư ở Bắc Ngũ Lộ; "Kinh thành đại hiệp" Đại đao Vương Ngũ từng là tiêu sư của Bắc Kinh Nguyên Thuận tiêu cục; Thương Châu đại hiệp Lưu Đức Khoan là tiêu sư của Vĩnh Thắng tiêu cục… Hoắc Ân Đệ - thân phụ Hoắc Nguyên Giáp (1856-1910) cũng là một tiêu sư nổi tiếng.
Các nhân vật nổi tiếng như Vương Hương Trai - người sáng lập Đại thành quyền; Lã Tử Kiếm - "quốc bảo" của võ lâm Trung Hoa hiện nay cũng đều làm qua nghề tiêu sư. Có tiêu sư như Vương Chi Quốc được dân chúng cảm kích lập bia và đền thờ.
Nghiệp vụ của tiêu cục gộp lại có sáu loại: "tẩu tiêu" (áp tải hàng hóa), "hộ viện" (bảo vệ trang viện nhà cửa), "tọa điếm" (bảo vệ hàng quán khách điếm), "tọa dạ" (canh gác ban đêm), "áp khoản" (cầm đồ) và "bảo hộ khố đinh" (bảo hộ phu khuân vác ở các kho bãi). Các nghiệp vụ này không có ngành nào không cần đến võ dũng và khả năng chiến đấu làm bảo chứng. Đây là điều kiện căn bản để giới võ hiệp đứng được trong ngành bảo tiêu.
Tẩu tiêu là nghiệp vụ chủ yếu của tiêu cục, tẩu tiêu cần phải có "tiêu lộ", nói theo thuật ngữ hiện đại nghĩa là "phạm vi khu vực tiếp nhận nghiệp vụ áp tải hàng hóa". Khi kênh đào Kinh Hàng thông thương, việc buôn bán phần lớn được các tiêu cục ở Bắc Kinh vận chuyển bằng đường thủy theo con kênh này, gọi là thủy lộ tiêu.
Trong thành Bắc Kinh xưa có ba thành phần giàu có, một là giới vương công huân thích (bà con vua, bà con bên vợ vua và những kẻ có công trạng lớn), hai là giới quan lại quý hiển, ba là giới đại thương nhân phú hào. Ba giới này đều là "những kẻ trộm tiền tài của thiên hạ để thỏa mãn lòng ham muốn của mình". Để đề phòng đạo tặc và kẻ thù đến ám toán, phần nhiều những gia đình giàu có trong thành Bắc Kinh đều mời tiêu sư đến ở trong phủ hộ viện, để bảo vệ nhà cửa, hòng bảo đảm an toàn tài sản và mạng sống của họ.
Trong thành Bắc Kinh, giới vương công huân thích, quan lại quý hiển, đại thương gia phú hào đều là những ông chủ lớn tiêu tiền như nước trên thị trường, vì thế trong thành Bắc Kinh, các loại thương điếm, nhà hàng, rạp hát, sòng bạc, kỹ viện đều tranh nhau làm giống như thế. Các ông bà chủ lớn nhỏ đều sợ đạo tặc đến trộm, đồng thời cũng sợ bọn "Cát Đoá Tử" (tên gọi chỉ chung trộm cướp, đầu gấu ở thành Bắc Kinh xưa) đến quấy nhiễu, nên cũng mời các tiêu sư đến nhà tọa dạ, tọa điếm để bảo đảm tài sản và công việc buôn bán được bình thường.
Một số tiêu cục lớn ở Bắc Kinh thừa kế nghiệp vụ "phi tiền" (tức chuyển tiền, gần như nghiệp vụ ngân hàng ngày nay) đã có từ thời nhà Đường, cũng tiếp nhận nghiệp vụ gửi tiền. Vì các tiêu cục lớn có uy tín, các phân hiệu và chi nhánh trải ra gần khắp nửa đất nước Trung Quốc. Tiêu lộ cũng thông thương khắp nơi, nên triển khai nghiệp vụ chuyển tiền rất thuận lợi.
Biện pháp cụ thể là "Nhận 100 thì lấy 5", ngoại trừ chuyển số tiền lớn, thông thường các tiêu cục không phái người chuyên môn đi theo áp tải tiền, mà giao cho tẩu tiêu thuận đường mang đi. Cho đến cuối đời Thanh, khi triều đình thực hiện chính sách mới, thành lập Bộ Bưu truyền, loại nghiệp vụ này của tiêu cục mới chấm dứt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.