Nghề giúp việc gia đình: Dễ mà khó

Thứ năm, ngày 25/11/2010 13:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giúp việc gia đình hiện đang được cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng chính sách theo hướng là một nghề độc lập. NTNN xin giới thiệu chương trình đào tạo mẫu cho lao động (LĐ) đi giúp việc gia đình đang được nhiều cơ sở dạy nghề áp dụng.
Bình luận 0

 Học từ những việc đơn giản...

Trong chương trình đào tạo nghề, người LĐ cần nắm bắt, biết sử dụng những trang thiết bị cơ bản sau: Bếp gas (bật-tắt – cách lau chùi và bảo quản); lò vi sóng (cách sử dụng – cách chọn các mục sử dụng và các điều cần chú ý khi sử dụng lò vi sóng); bình nóng lạnh; máy nước nóng; máy điều hoà (chú ý để nhiệt độ thế nào cho hợp với nhiệt độ bên ngoài); cách lau chùi đồ điện, vị trí lau chùi trong phòng cần phải chú ý như thế nào (đặc biệt tại phòng ngủ của chủ cần chú ý gì); sử dụng máy giặt (cách phân loại quần áo – chú ý loại nào không thể sử dụng máy giặt để giặt được – chú ý khi phơi quần áo).

... tới những việc phức tạp

Yêu cầu cao nhất của chủ nhà là người giúp việc phải biết bao quát tất cả mọi công việc liên quan đến hoạt động của nhà như: Khi đồ dùng sắp hết thì phải báo với chủ, chủ động sắp xếp lại đồ dùng trong phòng cho gọn gàng để khi cần thì phải biết đồ để ở đâu để lấy được ngay không bị mất thời gian (chỉ thực hiện trong nhà bếp và phòng khách, còn phòng ngủ sẽ sắp xếp theo yêu cầu của gia chủ).

img
Người giúp việc tại Hà Nội (ảnh minh họa).

Ngoài ra, người giúp việc phải chú ý tới “tiểu tiết” như: Khi lau chùi đồ dùng thuỷ tinh thì cần chú ý không được để lại vân tay hoặc vết bẩn nào trên đồ dùng; khi quét nhà, lau nhà, lau đồ vật cần chú ý bước nào cần làm trước, bước nào làm sau. Một số gia đình còn có yêu cầu người LĐ phải chú ý tuyệt đối phân loại giẻ lau khi dùng (và khi giặt cũng vậy). Tuyệt đối không được tuỳ tiện mang giẻ lau bàn giặt chung với giẻ lau bát chẳng hạn…

Ngoài những yêu cầu cụ thể, chủ nhà còn yêu cầu LĐ có chút “nhạy cảm” tâm lý. Đây là một yêu cầu khá mới mà LĐ thường không để ý. Với chủ nhà người VN thì sẽ đơn giản hơn, bởi người giúp việc và gia chủ có chung nền văn hoá, lối sống... Tuy nhiên, người LĐ vẫn phải học hỏi về phong tục tập quán địa phương, về thói quen của chủ nhà, về các yêu cầu cơ bản của chủ nhà trong công việc...

Nhiều cơ sở đào tạo lao động giúp việc trong nước

Hiện có rất nhiều công ty, trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội và TP.HCM tổ chức đào tạo nghề giúp việc nhà. Thời gian đào tạo khoảng 1 tháng, chủ yếu là dạy nghề và tâm lý. Việc quản lý đòi hỏi người LĐ phải cung cấp lý lịch rõ ràng (xác nhận của chính quyền địa phương và số điện thoại gia đình, chính quyền) và phải có đảm bảo hợp đồng để tránh trường hợp LĐ trộm cắp gây ảnh hưởng đến công ty.

Tại VN chưa có yêu cầu về tay nghề đối với nghề giúp việc, vì vậy không có quy định cơ bản nào của pháp luật đối với tay nghề. Về quan hệ LĐ thì hầu hết đều do thỏa thuận giữa bên chủ thuê và người làm thuê. 

(Bài có sử dụng thông tin tư vấn của Công ty CP Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch, Bộ GTVT).

 Mức lương cho người giúp việc ở VN rất đa dạng và dao động khá rộng, tuỳ thuộc vào khả năng làm việc của LĐ. Nếu đạt được mức yêu cầu: Được đào tạo, am hiểu công việc, tận tình thì mức lương có thể tới 4-5 triệu đồng/tháng. Mức lương thông thường (cho LĐ giản đơn) hiện là 2 triệu đồng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem