Edgar Dworsky đã trở thành chuyên gia hàng đầu về “shrinkflation”, hiện tượng nhà sản xuất âm thầm giảm trọng lượng sản phẩm để tránh tăng giá trong thời buổi lạm phát.
Vài tuần trước, Edgar Dworsky nhận được một email với nội dung đầy lôi cuốn của một hãng siro ho. Đó là "Siro ho bị pha loãng", kèm ảnh minh họa 2 chai siro với bao bì khác biệt: Loại mới chỉ mạnh bằng một nửa so với loại cũ.
Ông Dworsky thường xuyên nhận được những email như thế, với nội dung phân biệt những sản phẩm đã bị âm thầm giảm trọng lượng.
Chẳng hạn, bịch thức ăn cho chó từ 22 kg còn 20 kg; hộp ngũ cốc từ cỡ "khổng lồ" xuống còn cỡ "gia đình", có kích thước cao hơn vài cm nhưng nhẹ hơn vài gram. Chai nước giặt mới tưởng chừng tối ưu hơn loại cũ nhưng lại nhẹ hơn.
Nội dung email siro ho có vẻ hấp dẫn khiến ông Dworsky bèn lên kế hoạch nghiên cứu. Ông đã dành phần lớn cuộc đời của mình để phơi bày một trong những mánh khóe bí ẩn nhất trong nền kinh tế tiêu dùng hiện đại: "Shrinkflation" (tạm dịch: lạm phát co nhỏ).
Thuật ngữ trên chỉ việc sản phẩm hoặc bao bì được thiết kế một cách tinh vi để người tiêu dùng trả cùng một mức giá, thậm chí cao hơn nhưng nhận được ít số lượng hoặc trọng lượng hơn.
Nhiều công ty tiêu dùng đã sử dụng chiến lược này trong hàng chục năm qua. Và ông Dworsky - người vạch trần họ, cũng đã theo dõi hiện tượng này trong từng ấy năm.
Ông Dworsky đã tạo ra website cá nhân mouseprint.org và thường đăng những phát hiện của mình, kèm theo tài liệu tham khảo về các đoạn thông tin được in lên bao bì sản phẩm. Ông giải thích cái tên "mouse print" xuất phát từ việc chữ in trên bao bì đôi khi quá nhỏ, "chỉ chuột mới đọc được".
Ông phát hiện shrinkflation diễn ra ở khắp nơi, từ cá ngừ, sốt mayonnaise, kem, chất khử mùi, nước rửa bát, trong các chiến dịch quảng cáo gây hiểu lầm, các vụ kiện tập thể và những lời bán hàng thổi phồng sự thật.
Gần đây, trang Mouse Print đã phát hiện tình trạng shrinkflation trong giấy vệ sinh. Ông Dworsky viết: “Hầu như mọi nhãn hiệu giấy vệ sinh đều giảm kích cỡ trong nhiều năm qua".
Sản phẩm ngày càng nhỏ
Ông Dworsky, 71 tuổi, là một luật sư đã nghỉ hưu, bắt đầu sự nghiệp là một nhà nghiên cứu thị trường, sau đó trở thành phóng viên tiêu dùng trực tuyến cho kênh truyền hình địa phương.
Ở đỉnh cao của sự nghiệp, ông từng làm việc trong Bộ Tư pháp Massachusetts, khi ông còn trên con đường trở thành người ủng hộ người tiêu dùng tự doanh và có thể là chuyên gia hàng đầu thế giới về shrinkflation.
Gần đây, ông Dworsky thấy công việc này ngày càng cấp thiết. Với mức lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm, các chủ doanh nghiệp ngày càng thu nhỏ kích cỡ sản phẩm của họ thay vì để lộ việc tăng giá.
Krishnakumar Davey, chủ tịch bộ phận hàng hóa tiêu dùng tại IRI, một công ty nghiên cứu thị trường, cho rằng các doanh nghiệp đang làm điều thừa thãi. “Vì nhà sản xuất đang phải chịu chi phí khổng lồ, nên họ đang cố gắng tìm ra cách cân bằng điều đó", ông nói, khi đề cập đến giá nguyên liệu thô, lương lao động và vận chuyển tăng.
Một ngày nọ, khi ông Dworsky vô tình truy cập website Consumer World, ông đã dần bị thu hút vào shrinkflation. Ngay trong ngày hôm đó, ông đã có 2 cuộc phỏng vấn trên truyền hình về chủ đề kẹo Halloween ngày càng nhỏ.
Ông Dworsky chỉ ra rằng một số nhà sản xuất kẹo đánh tráo khái niệm 'sản phẩm ít calo hơn' thay cho 'sản phẩm nhỏ hơn'. Thực tế là trẻ em trong dịp lễ Halloween không quan tâm đến điều đó.
Công việc của ông Dworsky đã khiến giới nghiên cứu chú ý. Joseph Balagtas, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, người đã nghiên cứu về shrinkflation, cho biết ông Dworsky là người duy nhất mà ông biết đang theo dõi hiện tượng này.
Hitendra Chaturvedi, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Arizona, đã sử dụng các ví dụ của ông Dworsky để xây dựng kho dữ liệu nghiên cứu của riêng mình.
Giảm chất lượng, giữ nguyên giá
Ông Dworsky thường đến Walgreens để khảo sát. Rất khó để phán đoán được shrinkflation nhưng nếu gặp may, ông có thể tìm thấy vô số ví dụ trong các cửa hàng bán lẻ khi họ nhập hàng mới, với cùng một giá nhưng trọng lượng chênh nhau.
Ông nói: “Hãy nhìn vào những món đồ bạn mua và để ý trọng lượng tịnh. Hãy kiểm tra kỹ thông tin hoặc thiết kế có giống với bao bì cũ hay không".
Nhưng trường hợp của siro ho còn phức tạp hơn, bởi nó có thể thuộc trường hợp của "skimpflation" (nghĩa là sản phẩm giảm chất lượng nhưng giá không đổi). Bởi thực tế là ông cần phải kiểm tra thành phần của siro có bị pha loãng để thay đổi công thức hay không, trong khi người mua vẫn trả giá không đổi nhưng nhận sản phẩm giảm chất lượng.
Có người đã gửi hình ảnh từ một siêu thị cho ông, cho thấy liều lượng dành cho người lớn đã tăng gấp đôi lên 20 ml đối với chai mới, còn chai cũ chỉ 10 ml.
Ông ấy nói đùa rằng những khám phá về shrinkflation chính là gia đình của ông. Ông nói: "Chúng đều là những đứa con yêu thích của tôi. Thật khó để chọn ra một người giỏi nhất”.
Gần đây, ông Dworsky đã dành thời gian suy nghĩ về di sản của mình. Ông tin rằng luật định giá mặt hàng cửa hàng thực phẩm Massachusetts vào năm 1987 đã có ảnh hưởng lớn, thiết lập các quy tắc về minh bạch giá cả. Giờ đây, ông đang đấu tranh chống lại các phiếu "digital discount", thứ mà người cao tuổi khó tiếp cận.
Với trường hợp siro ho, ông dự định đăng những phát hiện này lên Mouse Print, nhưng ông cũng tin rằng Robitussin đã thay đổi công thức vài năm trước và các đối thủ cạnh tranh mới làm theo gần đây.
Người phát ngôn của Haleon, nhà sản xuất Robitussin, cho biết: “Mặc dù chúng tôi liên tục đổi mới công thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhưng chất lượng và tính toàn vẹn của sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.