Nghề trồng đào ở xã Đặng Cương đã có từ hơn 20 thập kỷ nay, nhưng việc ươm trồng đào rừng (đào đá) với đào vườn, cho ra đời những cây đào cổ thụ với gốc lớn phong rêu và tán hoa rực rỡ, được uốn tỉa cầu kỳ mới xuất hiện vài năm gần đây.
Vườn đào đá hơn 50 gốc của ông Hùng (thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương) năm nay thu được hơn 150 triệu đồng tiền lãi. Ông cho biết gốc đào giá trị nhất được ông bán đứt cho một khách mua ở khu vực miền Trung với giá 60 triệu đồng. Còn lại mức giá bán phổ biến từ 15 đến 30 triệu đồng/cây và cho thuê từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng/cây.
Một chủ vườn ở làng hoa Đồng Dụ sở hữu 3 ruộng đào hầu hết là các cây đào cổ thụ được lai ghép cũng phấn khởi cho biết ông thu về hàng trăm triệu đồng cho vụ hoa năm nay.
Ngày 25 Tết, vườn ông chỉ còn khoảng hơn chục gốc đào và đều là những cây đào đẹp trị giá từ 7 – 10 triệu đồng/ cây bán đứt và cho thuê từ 3 – 5 triệu đồng.
Nhọc nhằn nghề hoa
Ngay sau khi những cây đào thành phẩm có chủ và được đánh khỏi vườn, những người nông dân đã tất bật chuẩn bị cho vụ đào mới: Làm đất, đánh luống và ươm trồng những gốc đào mới. Công việc gần như không có lúc nào ngơi nghỉ.
Anh Dũng, người chuyên ghép đào cho các chủ vườn cho biết từ đầu vụ đến giờ anh đã góp công ươm ghép cho hàng trăm gốc đào. Trung bình, công ghép là 50.000 đồng/ gốc, ngày cao điểm anh có thể làm được đến 30 gốc đào, thu về 1,5 triệu đồng mỗi ngày. Gắn bó với người dân làng hoa nên anh cũng biết được không ít những tâm sự buồn vui của họ.
"Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay dân trồng đào sẽ có một cái Tết ấm. Có nhà thu về tiền trăm triệu, thậm chí tiền tỉ, nhưng không phải ai cũng được như vậy. Không ít người vì trông cả vào hoa mà phải cầm cố nhà cửa, nợ nần chồng chất…" – anh Dũng chia sẻ.
Lý do, theo anh Dũng là vì trồng đào còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, may rủi. Viêc trồng đào đá, ghép với đào vườn cho lãi cao thật, nhưng tính ra rủi ro cũng cao hơn, vốn đầu tư cũng nhiều hơn. Đào rừng mua về phải được trồng trên đất ải, đất mới, trải qua quá trình tỉa rễ, ghép mắt và những công đoạn chăm sóc tỉ mỉ kéo dài gần 3 tháng mới có thể biết được cây đào có thể sinh trưởng được hay không. Và phải sau ít nhất một năm đào mới cho hoa. Song không phải cây đào rừng nào được ghép thành công cũng có thể trở thành đào thành phẩm.
"Ngoài tiền vốn mua cây đắt đỏ còn phải kể đến chi phí vận chuyển vất vả, tiền mua đất ải, phân bón, thuốc sâu và công sức đổ vào cho mỗi gốc đào suốt 12 tháng. Chỉ cần sâu bệnh, thời tiết không thuận, nắng quá khiến đào nở rộ trước Tết, hay lạnh quá khiến đào "mù" (không ra được hoa – PV) là coi như mất trắng" – anh Dũng nói thêm.
Bà Nguyễn Thi Xuyên (thôn Hòa Nhất, An Dương) cho hay do vốn ít, gia đình bà chỉ đầu tư được một ruộng nhỏ với 6 gốc đào rừng. Tuy nhiên chỉ có 2/6 cây sống được, cho hoa. Dù bán được giá, thì trừ đi mọi chi phí, bà chỉ thu được khoản lời 1 triệu đồng cho hàng năm trời dày công chăm bón.
"Cháu họ tôi đầu tư vào 7 sào hoa, 3 năm trời nay vẫn chưa trả được hết nợ. Hai vợ chồng phải bảo nhau một người bỏ ruộng đào đi làm công nhân để có tiền chi dùng hàng ngày. Nếu chỉ trông vào cây đào, e rằng đến tiền cho con đi học cũng không có" – bà thành thực nói.
Nhưng dẫu còn lắm nỗi nhọc nhằn thì không thể phủ nhận nghề trồng hoa đào với thu nhập cao hơn trồng lúa đã giúp cuộc sống của người dân làng hoa Đồng Dụ nói riêng, người dân xã Đặng Cương thay đổi thấy rõ. Và những vườn đào cổ thụ tiếp tục là điểm nhấn tạo nên sức hút cho mảnh đất này mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Quỳnh Anh (NLĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.