Bể bơi, nơi xảy ra sự việc trẻ tử vong ở Hà tĩnh do tập bơi.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tháng hè, nhiều trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu đuối nước do đi tập bơi.
Đáng chú ý, gần đây nhất (ngày 26/7), bệnh nhân N.N.L, nữ, 15 tuổi, Hà Nội, được chuyển từ Bệnh viện Quân Y 354 tới Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp cấp tiến triển ở bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn do đuối nước.
Trước đó, vào khoảng 17hcùng ngày, khi đang học bơi thì bệnh nhân bị chìm khoảng 30 giây, được các nhân viên cứu hộ bể bơi phát hiện và vớt lên trong tình trạng tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức các nhân viên cứu hộ bể bơi hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân (có sử dụng 2 ống thuốc adrenalin 1mg), gọi dịch vụ cấp cứu 115, và khoảng 3 phút sau bệnh nhân có nhịp tự thở trở lại, mạch bẹn rõ, và ý thức cải thiện.
Một trường hợp cấp cứu do học bơi bị đuối nước
Sau khi sơ cứu (hồi sinh tim phổi) có kết quả, bệnh nhân được xe cấp cứu 115 chuyển tới Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Quân Y 354 lúc 17h16 cùng ngày trong tình trạng tỉnh, suy hô hấp không đáp ứng…
Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, sử dụng thuốc an thần và thở máy, truyền thuốc trợ tim (dobutamin). Sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, bệnh nhân được xe cấp cứu chuyển tới Bệnh viện Mạch Mai.
Hiện tại, sau khi điều trị tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai 4 ngày, bệnh nhân tỉnh, tình trạng hô hấp của bệnh nhân cải thiện rõ, đã thôi thở máy, được rút ống nội khí quản và thở oxy 3 lít/phút qua kính mũi.
Trước đó, hai trẻ 10 tuổi ở Nghệ An bị đuối nước khi đi học bơi. Hai cháu đến học bơi tại bể tập bơi của trường Cao đẳng nghề Công Nghệ Hà Tĩnh (đóng tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) và đuối nước, tử vong tại đây hôm 21/6.
Tại Vinh, ngày 28/6, anh Lê Xuân Nông tá hỏa phát hiện con trai 9 tuổi của mình tử vong trong bể bơi của khách sạn Vinh Plaza ở TP Vinh, Nghệ An.
Theo quan sát tại hiện trường, bể bơi nơi cháu Việt tử nạn có mực nước sâu từ 1,5 m đến 1,8 m, trong khi nước rất đục, không quan sát được đáy bể. Được biết, đây là buổi học bơi đầu tiên của cháu bé này.
Qua những trường hợp này, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các trung tâm dậy bơi và đặc biệt là các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ khi quyết định cho trẻ tập.
“Không phải cứ mở hoặc tham gia một khóa đào tạo bơi với thời gian ít ỏi là có thể giải quyết được vấn đề. với nhiều trẻ, tập để bơi được là vấn đề rất đơn giản, nhưng cũng không ít trẻ thì việc tập bơi là một thử thách rất lớn khó có thể vượt qua trong một sớm một chiều, và nếu cứ cố thì tai nạn có thể xảy ra”, bác sĩ Chính nói.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biét, các trường hợp đuối nước chủ yếu rơi vào các bé trai ở tuổi hiếu động nhưng lại không đủ ý thức trước những hiểm họa rình rập. Bên cạnh đó, sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm nom trẻ cũng góp phần đáng kể vào những tai nạn đáng tiếc này.
“Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời có thể qua cơn nguy kịch nhưng để lại biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thưỡng não do thiếu oxy kéo dài”, PGS.Dũng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.