Nghị lực phi thường của hai cha con "một ngón" tài hoa

Thứ năm, ngày 14/02/2013 07:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mỗi bàn tay chỉ có 1 ngón, bàn chân nhiều lắm chỉ được 2 ngón nhưng nghị lực của ông Nguyễn Tiến Thiểu (73 tuổi) và con trai là Nguyễn Duy Đạt (12 tuổi) ở Duy Tiên, Hà Nam được nhiều người cảm phục.
Bình luận 0

Qua Khu công nghiệp Đồng Văn, hỏi thăm đến gia đình “một ngón”, ai cũng biết và chỉ đường cặn kẽ cho chúng tôi.

Căn bệnh kỳ lạ và nghị lực tuổi thơ

Ông Nguyễn Tiến Thiểu sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em gồm 3 trai, 3 gái. Trong nhà, các anh chị em khác đều khỏe mạnh, chỉ có ông và người em trai thứ 3 là kém may mắn khi bị dị tật bẩm sinh. Ngày sinh ra, ông Thiểu và người em trai này đã bị dị tật, mỗi bàn tay đều chỉ có 1 ngón, còn bàn chân nhiều lắm cũng không quá 2 ngón. “Có lẽ vì hình hài như thế nên cha tôi đặt tên tôi là Thiểu. Cái tên đọc lên cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó” - ông Thiểu vui vẻ chuyện trò.

img
Hằng ngày ông vẫn ân cần dạy dỗ con tra

Mang hình hài dị tật, tuổi thơ ông Thiểu trải qua biết bao tủi cực trước những ánh mắt soi mói của người đời. Kẻ ác khẩu, độc mồm còn rêu rao nhà ông vô phúc mới sinh ra những đứa con mang hình hài “quái dị”. Điều đó khiến cha ông vốn đã chẳng mặn mà với đứa con tật nguyền lại càng trở nên trầm cảm hơn. Thế nhưng, ông trời có mắt, lấy đi sự lành lặn thì lại phú cho ông nghị lực phi thường và trí thông minh hiếm có.

Ngay từ nhỏ, ông đã nhận ra mỗi người đều có một hoàn cảnh, một số phận. Dù có trớ trêu đến đâu thì cũng phải sống cho tốt, cho có ích để không hoài phí công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Ông bỏ ngoài tai tất cả những lời dị nghị, quyết tâm sống “tàn nhưng không phế”. Ông bắt đầu rèn luyện cho đôi tay, đôi chân tật nguyền của mình có thể làm được những công việc như mọi người vẫn làm. Kiên trì luyện tập, mỗi lần thất bại là một lần rút ra kinh nghiệm.

Những kỷ niệm không quên

Nhớ lại những ngày đầu tập luyện, ông cười và kể: “Tôi bắt đầu rèn luyện từ việc nhỏ nhất như rửa bát, quét nhà cho đến cầm kim khâu. Cái cảm giác run rẩy khi dùng hai bàn tay trơ 1 ngón để cặp cán chổi hay bị kim đâm đau nhói mỗi khi xiên trượt vào tay là những kỷ niệm không thể nào quên”.

Nhờ nỗ lực, bền bĩ ông nhanh chóng điều khiển đôi tay “thiếu ngón” làm được nhiều công việc từ rửa bát, khâu vá, chăn trâu, cắt cỏ đến… đi xe đạp thuần thục trước con mắt trầm trồ thán phục của mọi người. Không chỉ vậy, đôi tay kỳ lạ của ông còn làm được những việc mà người bình thường có khi cũng lắc đầu chào thua.

Tài hoa như cha con ông “một ngón”

Suốt thời cắp sách tới trường, ông Thiểu luôn tâm đắc với câu văn trong tác phẩm Mùa Lạc của nhà văn Nguyễn Khải: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Trưởng thành từ khoa Trung văn của Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), ông Thiểu từng làm phiên dịch viên Trung ngữ một thời gian dài cho nhiều đoàn công tác.

img
Ông Thiểu khoe bức tranh sơn dầu tự tay ông vẽ tặng vợ

Sau đó, năm 1964, ông tham gia giảng dạy tại trường Nguyễn Huệ (Hà Nội). Những ngày đi dạy, người thầy giáo tàn tật cũng băn khoăn, lo lắng bởi hình dáng không bình thường sẽ là bức rào cản ngăn cách thầy trò. Thế nhưng, mọi lo lắng của ông đã được hóa giải bằng chính sự tài hoa của mình. Vốn kiến thức uyên bác, cách truyền dạy nhiệt huyết của ông đã hoàn toàn chinh phục được học trò. Thậm chí, cảm mến người thầy khuyết tật đàn hay, vẽ đẹp, có học trò đến tận bây giờ vẫn thường xuyên đến thăm hỏi ông.

Thôi việc “gõ đầu trẻ”, ông Thiểu chuyển công tác sang ngành ngân hàng của tỉnh Hà Nam. Năm 40 tuổi, đã vợ con đuề huề, ông vẫn mải miết đi học thêm đại học tại chức. Công tác đến năm 1992, ông về hưu và tìm niềm vui qua việc làm thơ, vẽ tranh, dịch gia phả, tài liệu Hán văn hay câu đối cho các đình chùa trong thôn, ngoài xã. Tiếng lành về tri thức và sự tài hoa của người đàn ông “1 ngón” khiến nhiều người hiếu kỳ tìm đến tận nhà ông để được tai nghe, mắt thấy.

img
Đôi tay 1 ngón và bàn chân không quá 2 ngón của ông

Trong 6 người con gái của ông có chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1976, cũng bị dị tật giống bố. Song, ông Thiểu luôn tự hào vì cô con gái cũng giàu nghị lực. Hiện chị Hương đang làm công nhân tại một xưởng may dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Năm 1997, người vợ hiền thảo của ông đột ngột qua đời. Thương bố, các con động viên bố đi bước nữa vì “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nhiều người đánh tiếng muốn được về “góp gạo thổi cơm chung” nhưng ông chỉ ưng bà Nguyễn Thị Thỉnh, bởi lẽ bà là người hiền hậu.

Về với nhau từ năm 2000, bà sinh cho ông cậu con trai Nguyễn Duy Đạt. Đứa bé có gương mặt sáng sủa, thông minh ấy tuy cũng mang dị tật giống bố nhưng cậu vẫn là niềm tự hào của vợ chồng ông Thiểu. Thừa hưởng gien tài hoa của ông, ngay từ khi còn nhỏ, Đạt đã vẽ đẹp chẳng kém bố. Cậu còn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 6 năm qua. Đạt tâm sự, lớn lên em muốn trở thành họa sĩ để vẽ những bức tranh làm đẹp cho đời.

Trước khi khách chuẩn bị ra về, ông lão "một ngón" Nguyễn Tiến Thiểu không quên dẫn khách đi xem bức tranh "để đời" và vườn cây cảnh của mình. Bức tranh sơn mài ông vẽ kỷ niệm ngày cưới sống động như tranh của những họa sĩ chuyên nghiệp khiến chúng tôi càng thêm cảm phục. Dù tên ông đọc lên "thiếu thiếu" nhưng nghị lực và sự tài hoa thì luôn có thừa ở người đàn ông độc đáo này.

Theo Dòng Đời 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem