Nghi phạm chém luật sư tử vong ở TP.HCM đối mặt khung hình phạt nào?

Q.Trung Thứ năm, ngày 08/12/2022 13:14 PM (GMT+7)
Nghi phạm gây ra cái chết cho luật sư ở TP.HCM bị cảnh sát bắt giữ sau 5 tháng gây án. Chuyên gia pháp lý cho rằng, với hành vi này, nghi phạm có thể đối mặt nhiều tình tiết tăng nặng của tội giết người.
Bình luận 0

Bắt giữ nghi phạm chém tử vong luật sư

Công an TP Thủ Đức phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM bắt giữ nghi phạm gây ra cái chết cho luật sư T.V.H. (40 tuổi, quê Tiền Giang). Danh tính nghi phạm là Phạm Trung Đan (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức).

Nghi phạm chém luật sư tử vong ở TP.HCM đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Khu vực nơi luật sư H. bị chém tử vong. Ảnh: NLĐ

Bước đầu, người này thừa nhận gây ra cái chết cho ông H. Cảnh sát đang lấy lời khai người này để làm rõ động cơ gây án.

Trước đó, khoảng 18h20 ngày 31/7, ông H. được người dân phát hiện bị thương, nằm gục ở khu vực dạ cầu Rạch Chiếc, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.

Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Quân dân Y miền Đông rồi chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Sau khi ông H. tử vong, Công an TP Thủ Đức đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thụ lý theo thẩm quyền.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tổ chức khám nghiệm tử thi, xác định nạn nhân bị thương tích ở 2 cánh tay.

Đối mặt khung phạt cao nhất của tội giết người

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan chức năng cũng sẽ sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ thực hiện hành vi phạm tội của nghi phạm gây án để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đồng thời là căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Với hành vi giết người có tính chất côn đồ như vậy, nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội giết người là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ông Cường cho, nếu nguyên nhân sát hại nạn nhân là do nghi phạm thù tức nạn trong quá trình tham gia tố tụng, hành vi này có thể được xác định là phạm tội vì động cơ đê hèn. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài trách nhiệm hình sự, nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng đối với con của nạn nhân và bố mẹ của nạn nhân.

Đồng thời phải bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần cho những người thân nhân của nạn nhân khoảng 100 tháng lương cơ bản.

Vị luật sư cho biết thêm, nghề luật sư là nghề nguy hiểm, thường xuyên va chạm với các tình huống đối kháng, tham gia giải quyết những vụ án tranh chấp…nên có thể xảy ra những mâu thuẫn.

Không ít trường hợp những đối tượng côn đồ, manh động, coi thường pháp luật có ý định trả thù người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, trong đó có luật sư.

Vì thế, luật sư là người đòi hỏi phải có bản lĩnh, đặc biệt là luật sư tranh tụng. Bản lĩnh của luật sư không chỉ thể hiện ở chỗ dám đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm về góc độ pháp lý mà còn sẵn sàng đối mặt với những nguy hiểm về mặt xã hội.

Phần lớn công việc của luật sư tranh tụng là tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đường sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại.

Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, trước tiên luật sư cần phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật.

Tiếp đến là phải có khả năng đọc tình huống tốt và chủ động chuẩn bị nhiều giải pháp để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm.

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem