Nghị quyết 57 như một mũi nhọn có tính đột phá, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Nguyễn Thịnh Thứ hai, ngày 13/01/2025 15:45 PM (GMT+7)
Nói với phóng viên báo điện tử Dân Việt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhận định rằng Nghị quyết 57 tập trung vào các điểm nghẽn trong thể chế và đưa ra quan điểm, cơ chế để giải quyết những bất cập lâu nay trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bình luận 0

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Tiếp đó, ngày 9/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57, thể hiện rõ quyết tâm đưa khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Những điểm đột phá của Nghị quyết 57

Trả lời Dân Việt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ra đời là một tín hiệu rất vui mừng không chỉ với riêng cộng đồng khoa học và công nghệ, cộng đồng làm chuyển đổi số mà còn cho tất cả người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và 2045.

Nghị quyết 57 như một mũi nhọn có tính đột phá, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.

"Nghị quyết 57 mang tính hành động rất cao, như một lời hiệu triệu, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn, những rào cản với sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho tất cả cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương, cần tự rà soát lại tất cả các thể chế, chính sách", Thứ trưởng Duy nói.

Thứ trưởng Duy lấy ví dụ, hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập cũng phải tự đánh giá lại, rà soát để sáp nhập, giải thể những tổ chức hoạt động chưa hiệu quả. Từ đó, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hình thành các tổ chức khoa học công nghệ mạnh hơn, tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, mục tiêu chính của Nghị quyết tập trung vào việc giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng các nguồn lực khác nhau của xã hội để tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới phương thức làm việc, tích lũy tư liệu sản xuất mới dựa trên dữ liệu, từ đó đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập cao, phát triển bền vững.

Điểm nhấn trong tính hành động của Nghị quyết 57 là yêu cầu xây dựng và triển khai công nghệ chiến lược, ở các yêu cầu liên quan tới phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, phủ sóng 5G, phát triển công nghệ về trí tuệ nhân tạo, IoT (internet vạn vật)...

Trong khi đó, PGS. TS Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ với Dân Việt rằng Nghị quyết 57 mở ra bước phát triển quan trọng và đột phá của Đảng và Chính phủ trong thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Nghị quyết 57 thông qua việc ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia trong đầu tư các sản phẩm mũi nhọn, tạo thế và lực mới trong phát triển đất nước, bứt phá giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đưa dân tộc đến với kỷ nguyên vươn mình mới", PGS. TS Lê Hoàng Sơn nói.

Theo PGS. TS Lê Hoàng Sơn, Nghị quyết 57 nêu ra một điểm quan trọng, đó là lần đầu tiên Đảng và Chính phủ đã xác định rõ ràng các nội dung trọng tâm cốt lõi, về thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược.

Lợi thế cũng như thách thức trong triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, chúng ta có rất nhiều lợi thế mà rõ nhất là thể chế hệ thống chính trị. 

 "Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Do vậy, Nghị quyết số 57 sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là một trong những lợi thế đầu tiên để triển khai Nghị quyết số 57", Thứ trưởng Duy nhấn mạnh.

Ngoài ra, nguồn nhân lực của Việt Nam có thế mạnh trong các ngành kỹ thuật, toán học, CNTT rồi tiếp đến là việc Việt Nam cũng có thị trường lớn, đóng vai trò "bà đỡ" cho các sản phẩm khoa học công nghệ mới, cho các sản phẩm chuyển đổi số.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do và mối quan hệ đối tác quốc tế cũng mang lại cơ hội lớn cho việc triển khai Nghị quyết 57.

Nói về thách thức, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chỉ ra ba vấn đề: Đầu tiên là làm thế nào để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống. Kế đến là tốc độ, thời gian triển khai nghị quyết. Thách thức thứ ba là làm sao triển khai rộng rãi đến toàn dân, toàn xã hội.

"Để triển khai Nghị quyết, cụ thể hóa thành thể chế, giải pháp, chắc chắn cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ phải thay đổi, tốc độ làm việc phải cao hơn, không thể như trước đây. Việc triển khai đề án, dự án trước đây tính theo tháng, bây giờ phải tính theo tuần", Thứ trưởng nói về giải pháp.

Nghị quyết cũng cần được lan tỏa rộng rãi, trở thành hành động cụ thể đối với từng cán bộ quản lý, đảng viên, các cấp ủy, doanh nghiệp, người dân; tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi phương thức làm việc. Trong đó, mọi cá nhân đều phải thay đổi cách thức làm việc, dựa trên dữ liệu, với các hệ thống tự động hóa, trí tuệ nhân tạo cùng các kỹ năng mới như tích lũy, phân tích dữ liệu. Còn nếu chỉ triển khai ở một vài bộ phận hay một vài địa bàn sẽ không tạo ra được sự lan tỏa.

Nghị quyết 57 như một mũi nhọn có tính đột phá, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” - Ảnh 2.

PGS. TS Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh NVCC

Đồng quan điểm, PGS. TS Lê Hoàng Sơn khẳng định: Nghị quyết số 57 nhấn mạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp cận, nỗ lực, chủ động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời kỳ mới. 

"Tôi cho rằng tác động của Nghị quyết 57 rất rõ ràng với mọi ngành nghề, có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động", PGS. TS Lê Hoàng Sơn bày tỏ.

Về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo và năng lực cạnh tranh số của Việt Nam trong khu vực, PGS. TS Lê Hoàng Sơn chỉ ra các giải pháp như: Xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo & chuyển đổi số tại Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và AI tại Việt Nam giai đoạn 2025-2026. Thay đổi trong tiếp cận về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo & chuyển đổi số.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem