Khơi thông dòng chảy ngầm hàng trăm tỷ USD tài sản mã hoá

Vũ Khoa Thứ hai, ngày 13/01/2025 14:00 PM (GMT+7)
Ví tài sản mã hoá như mạch ngầm trăm tỷ đô la mỗi năm, Chủ tịch VBA Phan Đức Trung cho rằng dòng chảy này cần được nhận diện, thúc đẩy. Tuy nhiên, quá trình khơi thông phải thực sự hợp lý, không ồ ạt và phải phòng bị trước nguy cơ mất an toàn tiền tệ.
Bình luận 0

Tại dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech). Theo đó, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa.

Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp về phòng, chống rửa tiền; kiểm tra và chứng nhận bảo mật, an ninh mạng liên quan tới các loại tài sản số và tổ chức cung ứng dịch vụ này. Cách thức quản lý, phát hành, sở hữu và giao dịch các token tiện ích, "đào" tiền số cũng thuộc thẩm quyền Chính phủ. Việc này nhằm hạn chế rủi ro với an ninh năng lượng và môi trường.

Để có thêm góc nhìn, và trả lời cho câu hỏi chính sách này có giá trị ra sao trong khai mở tiềm lực tài chính tài sản mã hoá, phóng viên Dân Việt đã có những trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung.

Khơi thông dòng chảy ngầm hàng trăm tỷ USD tài sản mã hoá- Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung.

Thưa ông, ông có thể cho biết ý nghĩa thực tế của cơ chế kiểm soát an toàn?

Sandbox là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cung cấp một không gian an toàn và được kiểm soát. Nơi mà các tổ chức có thể thử nghiệm và phát triển các sản phẩm hay mô hình kinh doanh mới mà không gặp nhiều rào cản pháp lý, nhưng vẫn được giám sát bởi cơ quan quản lý. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát này không chỉ áp dụng trong lĩnh vực tài chính mà còn áp dụng cho nhiều lĩnh vực.

Thực tế, chúng ta có thể đánh giá về nguy cơ mất an toàn qua một vài thống kê. 

Theo Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam và Bộ Công an, năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo trên mạng lên tới 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2022. 

Trong đó, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính. Tỷ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội,… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Số vụ án bị khởi tố liên quan đến lừa đảo công nghệ cao lên tới hơn 1.500 vụ.

Khơi thông dòng chảy ngầm hàng trăm tỷ USD tài sản mã hoá- Ảnh 2.

Theo báo cáo của ChainTracer - một chương trình truy vết, phát hiện dấu hiệu gian lận lừa đảo tài sản số do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) hợp tác với Công ty TNHH Xã hội Chống lừa đảo sáng lập, tính từ tháng 5/2023 đến hết năm 2024, chương trình đã tiếp nhận và xử lý gần 60 vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trên blockchain, với tổng thiệt hại ước tính gần 8 triệu USD. Trong đó riêng năm 2024, số vụ việc mà ChainTracer tiếp nhận ít hơn (10 vụ) so với năm 2023 tuy nhiên tổng giá trị thiệt hại được báo cáo lại cao gấp ba lần.

Điều này phản ánh mức độ tinh vi và nghiêm trọng ngày càng tăng của các vụ lừa đảo, chủ yếu liên quan đến các hành vi như giả mạo thông tin cá nhân, huy động vốn bằng token, lừa đảo nạp tiền và nhận thưởng hoa hồng để chiếm đoạt tài sản, hay như tấn công phishing để chiếm đoạt ví người dùng…

Còn theo báo cáo thống kê của Cybersecurity Ventures từ 2.700 chuyên gia quản lý rủi ro từ 94 quốc gia, công bố trong năm 2024, thiệt hại bởi các vụ tấn công mạng toàn cầu lên tới 9.500 tỷ USD. Con số thiệt hại này tăng 15% mỗi năm trong hai năm tới, đạt 10.500 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, riêng tại Mỹ năm 2023 có hơn 69,000 khiếu nại liên quan đến tiền mã hóa, tổng thiệt hại khoảng 5,6 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2022.

Vậy việc xây dựng một chính sách kiểm soát linh hoạt có phải là biện pháp đủ mạnh?

Tất cả sự không an toàn trên không gian mạng đang xảy ra vì 2 yếu tố là luật chưa theo kịp và công nghệ thay đổi quá nhanh.

Các hacker lợi dụng lỗ hổng để tấn công, cướp tài khoản, hack tiền trong hệ thống… gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mặc dù Chính phủ rất quan tâm và thường xuyên ban hành các ban hành, bổ sung chính sách pháp lý và cơ chế quản lý, tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách pháp lý sẽ luôn có độ trễ nhất định so với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Chính vì vậy, việc ban hành chính sách pháp lý rõ ràng, minh bạch, kết hợp với việc chủ động năng lực công nghệ không chỉ đảm bảo an toàn trên không gian mạng, mà còn có ý nghĩa quan trọng.

Công nghệ an ninh mạng và Công nghệ tài chính tuân thủ trong fintech là những hướng đi thúc đẩy nâng cao chất lượng giám sát, giảm thiểu rủi ro, giúp thích ứng với bối cảnh số hóa sâu rộng lĩnh vực tài chính trong kỷ nguyên số.

Xin ông khái quát từng bước xây dựng cơ chế của Quốc hội và Chính phủ, những nỗ lực đó sẽ mang lại điều gì?

Trước đây, Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 06/9/2021 của Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Từ đó tới nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất nỗ lực dự thảo Nghị định triển khai trình Chính phủ. Tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn để ban hành chính thức cơ chế thử nghiệm có kiểm soát này.

Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 cho thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được phép thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Cơ chế thử nghiệm muốn tiếp cận từ góc độ địa phương, như ở hai thành phố nêu trên là một động lực mới trong cách tiếp cận giải quyết cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Việt Nam.

Chúng ta đều biết ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 259/NQ-CP Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, cho thấy quyết tâm rất lớn từ Đảng, Chính phủ trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Như vậy tại 2 thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với các quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội đã có được các cơ sở vững chắc để ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với các dịch vụ tài chính quốc tế.

Đặc biệt đó là các dịch vụ tài chính công nghệ fintech. Dịch vụ tài chính công nghệ fintech theo phân loại của KPMG sẽ gồm 7 loại: (1) công nghệ thanh toán, (2) công nghệ bảo hiểm, (3) công nghệ tài chính tuân thủ, (4) công nghệ an ninh mạng, (5) công nghệ quản lý tài sản, (6) công nghệ blockchain/tài sản mã hoá và (7) công nghệ tài chính xanh.

Khơi thông dòng chảy ngầm hàng trăm tỷ USD tài sản mã hoá- Ảnh 3.

Phân loại dịch vụ tài chính công nghệ fintech

Tất nhiên có nhiều cách phân loại dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) nhưng tổ chức nào phân loại thì công nghệ blockchain và tài sản mã hoá luôn thuộc fintech.

Cùng với việc thảo luận rất nhiều về tài sản số/tài sản mã hoá tại các phiên họp của Quốc hội khóa XV trong Luật công nghiệp và cũng như Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tại đây, hạ tầng số trong đó có công nghệ chuỗi khối là công nghệ nền tảng của tài sản mã hoá cho thấy việc Đảng và Chính phủ quyết tâm thể chế hoá đưa tài sản số/tài sản mã hoá vào thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Tôi rất kỳ vọng tài sản số và tài sản mã hoá là các điểm nhấn công nghệ năm 2025 tại Việt Nam.

Là chuyên gia trong ngành, ông có góp ý giải pháp nào nên làm để thị trường giao dịch tiền số an toàn, và sau đó được công nhận rộng rãi?

Đầu tiên, tôi đánh giá dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đang được thảo luật rất nhiều phiên tại Quốc hội là một tín hiệu tích cực nhất. Khi Luật này được ban hành sẽ là Luật mang tính thúc đẩy, tham chiếu đến nhiều lĩnh vực và từ khoá quan trọng AI, IoT, Bán dẫn,... Trong đó, tài sản số là từ khóa quan trọng tác động vô cùng lớn tới hệ thống luật pháp Việt Nam.

Thứ hai, các chính sách được Quốc hội, Chính phủ ban hành gần đây là cơ sở để tạo ra nguồn lực mới. 

Hằng năm dòng chảy tài sản mã hóa vào Việt Nam từ 2022 tới nay đều trên 100 tỷ USD một năm, theo báo cáo của tổ chức Chainalysis"

Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Phan Đức Trung

Đây rõ ràng là một dòng chảy kinh tế ngầm cần được nhận diện và kiểm soát những mặt tiêu cực và thúc đẩy những yếu tố tích cực để đưa vào nền kinh tế chính thức của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình khơi thông cần phải thận trọng để đem lại sự tích cực, tránh nguy cơ gây mất ổn định an ninh tiền tệ.

Thứ ba, cần tận dụng lợi thế của Việt Nam đang đứng thứ ba toàn cầu về Chỉ số chấp nhận tài sản mã hoá (năm 2023, theo Chainalysis) và đứng thứ 7 thế giới về dân số sở hữu tài sản mã hoá (năm 2024), nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hoá cao nhất. Để từ đó đưa vị thế của Việt Nam lên cao, thoát ra khỏi Danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF) như Chỉ đạo số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để làm được điều đó, cần một cơ chế đồng bộ và các giải pháp quyết liệt. Dubai là một ví dụ mà Việt Nam có thể học hỏi, khi họ đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế nhưng vẫn bị vào danh sách xám, và sau đó họ chỉ mất 3 tháng để ra khỏi danh sách này. Hoặc Campuchia cũng là một bài học, khi 4 năm liền (từ 2011 đến 2015) quốc gia này bị nằm trong danh sách xám của FATF. Sau đó Campuchia đã ra khỏi danh sách này nhưng đến năm 2019 lại tiếp tục bị đưa vào cho đến tháng 2/2023.

Với 3 điểm trên, tôi tin năm 2025, Việt Nam sẽ là một quốc gia có sự chuyển biến tích cực về chính sách trong việc đưa tài sản mã hoá vào kinh tế số và là điểm sáng trên toàn cầu về tài sản số minh bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem