Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII: Cơ sở để tự soi mình, cơ hội để nhân dân giám sát

Lương kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 13/12/2016 06:10 AM (GMT+7)
"Một điều rất quan trọng là khi Nghị quyết của T.Ư Đảng chỉ ra 27 biểu hiện của suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã tạo cơ sở cho quần chúng nhân dân giám sát chặt chẽ hơn...”. Đó là nhận định của PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN.
Bình luận 0

Thưa ông, mới đây Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc để phổ biến, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết lần này?

- Có thể nói về chủ trương đã rõ vấn đề là hành động. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII để mọi người hiểu cho đầy đủ, nhất là các cán bộ ở địa phương phải nắm rõ những biểu hiện của suy thoái, "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" để đi vào các nhóm hành động.

img

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là vấn đề đang rất được đảng viên, nhân dân quan tâm. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.   Ảnh: TTXVN

Nói đến hành động là tổ chức thực hiện thế nào, chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành ở T.Ư thế nào để tạo sự được bước chuyển căn bản, chuyển biến rõ rệt trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nếu không lại rơi vào hình thức, không mang lại hiệu quả, lần sau kiểm điểm lại thấy kết quả không được như mong muốn. Quan trọng là tạo bước chuyển trong toàn bộ hệ thống từ Đảng đến Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, từ trên xuống dưới. Như Tổng Bí thư đã nói, nếu chỉ làm kiểu phổ biến rầm rộ ở T.Ư nhưng về địa phương mà không đi vào thực tế thì sẽ rất hạn chế.

Trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã nêu rất cụ thể 27 biểu hiện của suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đây là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng, thưa ông?

-Lần đầu tiên một Nghị quyết về xây dựng Đảng đã chỉ ra được những biểu hiện suy thoái một cách cụ thể, không nói chung chung. Tại Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI có nói đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đến Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã chỉ rõ 9 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống và chỉ ra thêm 9 biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

img

Trước đây trong sinh hoạt Đảng hay có nhận định "cơ bản là tốt, mặc dù có những sai sót chỗ này, chỗ kia". Bây giờ phải soi vào từng điểm trong 27 điểm để xem Đảng bộ mình, địa phương mình có mắc phải không, trong việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sẽ bám sát vào nội dung đó”.

PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc

Từ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chuyển sang "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là một bước gần, thậm chí rất gần. T.Ư Đảng cũng nói rõ nếu không ngăn chặn được thì hậu quả sẽ khôn lường.

Khi Nghị quyết T.Ư 4 chỉ ra được 27 biểu hiện một cách cụ thể sẽ giúp cho các tổ chức Đảng, các đảng viên có cơ sở xem xét. Còn như không nêu được cụ thể, chỉ nói chung thì khi các tổ chức Đảng sinh hoạt tự phê bình, tự kiểm điểm cũng không thấy biểu hiện gì, rồi đi đến nhận xét chung là tốt cả.

Trước đây, trong sinh hoạt Đảng hay có nhận định "cơ bản là tốt, mặc dù có những sai sót chỗ này, chỗ kia". Bây giờ, phải soi vào từng điểm trong 27 điểm để xem Đảng bộ mình, địa phương mình có mắc phải không, trong việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sẽ bám sát vào nội dung đó.

Điểm nữa là đối với từng cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những người có chức vụ, quyền hạn cũng có cơ sở để tự soi mình xem có vi phạm điều gì trong 27 biểu hiện Nghị quyết nêu ra không. Đối với người không vi phạm, họ sẽ biết để tránh không bị mắc phải. Còn cán bộ, đảng viên nào vi phạm thì quyết tâm sửa chữa.

Một điều rất quan trọng nữa là khi Nghị quyết T.Ư Đảng chỉ ra 27 biểu hiện của suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng tạo cơ sở cho quần chúng nhân dân nhìn vào để giám sát.

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Huy Hoàng được dư luận rất quan tâm. Xử lý kiên quyết những kiểu vụ việc như trên sẽ tác động như nào đến việc tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng, thưa ông?

- Tôi đã từng nói vụ Trịnh Xuân Thanh là rất điển hình, có biểu hiện của nhiều cái "chạy" trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm vụ Trịnh Xuân Thanh, xử lý nghiêm các cán bộ cao cấp liên quan như Đảng vừa làm rõ ràng là một sự đột phá để thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII tốt hơn.

Xử lý kiên quyết vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ ông Vũ Huy Hoàng, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, của pháp luật, là sự cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên đương chức khác biết điều đó để không vi phạm phải.

Sau vụ Trịnh Xuân Thanh rồi vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng, gần đây lại nổi lên những vụ khác như Vũ Đình Duy - nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí, Lê Chung Dũng -  nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, cả hai cùng bỏ đi nước ngoài…

Từ đây, để nhìn nhận có lẽ phải nắm khâu nào là then chốt nhất. Theo tôi, khâu cán bộ là then chốt nhất, phải rà soát lại quy trình bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ, có sai sót gì phải kiên quyết sửa chữa. Bác Hồ từng nói cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thất bại hay thành công là do cán bộ tốt hay kém.

Nói đến công tác cán bộ, ngoài việc tự kiểm điểm, tự phê bình trong sinh hoạt Đảng, vấn đề quan trọng nữa là phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực?

- Đúng vậy. Đây là khâu rất quan trọng, ngay trong quản lý kinh tế thị trường, trước đây chúng ta có nêu cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, rồi hệ thống pháp luật cũng phải hoàn chỉnh, thậm chí các luật của từng bộ phận cũng phải xem xét cái gì cần bổ sung thì bổ sung như Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... để tránh những kẽ hở trong khâu đề bạt, luân chuyển, sử dụng cán bộ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem