Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại đương nhiên không thể thiếu trên chương trình nghị sự ở cả hai nơi, nhưng chủ đề nội dung về an ninh khu vực được coi trọng hơn cả.
Ông Obama tới Australia đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ hợp tác quân sự an ninh giữa hai nước. Còn bà Clinton tới Philippines khi có nhiều chuyện mới xảy ra ở Biển Đông có tác động trực tiếp tới Philippines về chính trị an ninh.
An ninh vì thế lại có giá trị thời sự thiết thực trong quan hệ của Mỹ với hai nước này nói riêng và với cả khu vực nói chung. Nó đã trở thành lợi ích chung của Mỹ với các đối tác này. Nó chi phối rất đáng kể tính chiến lược lâu dài của những cặp quan hệ đó.
Hợp tác an ninh với những đồng minh gần như truyền thống giúp Mỹ có được phương tiện và phương cách kiềm chế và răn đe với những bên trong khu vực mà Mỹ coi là đối thủ về an ninh trong khi những lĩnh vực hợp tác khác chỉ giúp Mỹ cạnh tranh với các đối thủ ấy.
Mỹ công khai thúc đẩy hợp tác với các đồng minh này trên lĩnh vực an ninh cũng còn nhằm mục đích không để xảy ra xung đột an ninh trong khu vực, tìm kiếm vai trò và ảnh hưởng trong phòng ngừa xung đột chứ không phải xử lý xung đột trong khu vực. Làm sao để không bị buộc phải lựa chọn giữa đối tác này và đối tác khác chứ không ngả hẳn về bên nào khi xảy ra xung đột mới có lợi nhất cho Mỹ ở khu vực.
Huệ Như
Vui lòng nhập nội dung bình luận.