Nghĩ từ việc tách Mobifone

Thứ năm, ngày 03/04/2014 07:15 AM (GMT+7)
Từ 1.6.2011 đến 31.3.2014, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sở hữu 100% hai công ty điện thoại di động Mobifone và Vinaphone. Đến 31.3, thông tin tách Mobifone đã chính thức được công bố
Bình luận 0
Thực ra việc tách hay cổ phần hóa cả hai công ty trên của VNPT đã được bàn nhiều trước đó. Ngay sau khi có Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành vào ngày 1.6.2011, các chuyên gia đã đưa ra bốn lựa chọn hợp pháp khả dĩ (theo thứ tự từ tốt đến xấu):

(1) để VNPT bán 80% một trong hai công ty trên cho các nhà đầu tư khác (qua cổ phần hoá chẳng hạn); (2) bán 80% của một trong hai công ty đó cho Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước, SCIC; (3) tách một công ty ra khỏi VNPT; (4) sáp nhập hai công ty thành một công ty điện thoại di động trực thuộc VNPT.

Theo các chuyên gia, phương án (1) là tốt nhất, nhưng khó thực hiện. Phương án (2) chỉ là mua thời gian để tiến tới phương án (1). Phương án (3) có thể để cổ phần hóa tiến đến phương án (1) (tốt nhất) hay cổ phần hóa một phần (chưa thật tốt ) hoặc không cổ phần hóa (tồi nhất trong phương án này). Đã có ý kiến thực hiện phương án tồi nhất (4) vì rất dễ và rất được lòng VNPT và VNPT muốn theo phương án đó, nhưng đã bị nhiều người phản đối mạnh mẽ.

Có thể thấy sau gần 4 năm Nghị định 25 có hiệu lực, và sau những cuộc tranh luận kéo dài chính phủ đã quyết định chọn phương án (3) nêu ở trên (và ở mức tốt vừa: Để cổ phần hóa). Và chắc là sẽ chỉ cổ phần hóa chút chút (chắc Nhà nước vẫn giữ trên 50% vốn của Mobifone).

Thị trường di động có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Phân bố thị phần giữa các công ty lớn khá đẹp: Trong năm 2012, 3 công ty lớn nhất chiếm khoảng 95% thị phần (Viettel khoảng 38%, Mobilfone và Vinaphone mỗi công ty khoảng 29%) không công ty nào có thể áp đảo 2 công ty kia.

Tuy nhiên, theo Sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông vừa được công bố, phân bố thị phần dịch vụ điện thoại di động đã thay đổi (Viettel 40,05%; Mobifone 21,4%; Vinaphone 19,88%). Mobifone tách khỏi VNPT tình hình cạnh tranh chắc chắn có cải thiện hơn (nhưng chắc không nhiều).

Với sự cạnh tranh mạnh hơn về lý thuyết thì người tiêu dùng có thể được lợi, cho nên họ không phải lo việc này sẽ ảnh hưởng đến họ. Cạnh tranh mạnh hơn thì dịch vụ có thể tốt hơn và người tiêu dùng có thể được lợi hơn. Lưu ý đến 2 từ “có thể” trong câu vừa rồi.

Việc cổ phần hóa Mobifone sẽ là một tin tốt nhưng cần lưu ý là tiến trình cổ phần hóa phải minh bạch và phải có sự giám sát chặt chẽ để tránh việc lợi dụng bán rẻ tài sản quốc gia.
Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem