Nghi vấn hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ, công ty Tenma kinh doanh thế nào?

PVKT Thứ ba, ngày 26/05/2020 09:45 AM (GMT+7)
Tenma công ty mẹ của Công ty TNHH Tenma Việt Nam – công ty đang dính nghi vấn hối lộ công chức Việt Nam 25 triệu Yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) được thành lập vào năm 1949. Theo Báo cáo Chứng khoán năm 2018, Tenma có tới 7.557 nhân viên trên toàn cầu và doanh thu khoảng 84,8 tỷ Yên.
Bình luận 0

Một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei...đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.

Khoản thuế Tema muốn "bỏ qua" lớn thế nào?

Theo Asahi, một công ty con của nhà sản xuất sản phẩm nhựa "Tenma" (trụ sở Tokyo, Kita-ku, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo) tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam là công ty TNHH Tenma Việt Nam đã "trao" tổng cộng khoảng 25 triệu Yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ công chức của Việt Nam.

Khoản tiền này theo đề cập trên Asahi, được lãnh đạo Công ty Tenma trực tiếp thông qua khoản "phí điều chỉnh" 2 lần cho các cán bộ của của một cơ quan địa phương của Việt Nam nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.

Lần đầu tiên trong một cuộc khảo sát của cơ quan Hải quan tại địa phương cách đây 3 năm (tháng 6/2017). Trong cuộc khảo sát này, Tenma Việt Nam được thông báo về khoản truy thu khoảng 1,79 tỷ Yên (tương đương 390 tỷ đồng) cho nhập khẩu và bán khuôn.

Lãnh đạo của công ty con đề nghị trả "phí điều chỉnh" cho nhân viên của Cục Hải quan để giảm số tiền này. Được sự đồng ý của Chủ tịch là ông Kento Fujino, Tenma Việt Nam đã trả 2 tỷ đồng tiền mặt cho lãnh đạo điều tra của Cục Hải quan và thoát khỏi khoản thanh toán phụ phí này.

Lần thứ 2 là tháng 8 năm ngoái. Một cuộc khảo sát của cục thuế địa phương cho thấy, Tema Việt Nam được yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu Yên) bao gồm thuế doanh nghiệp. Các điều tra viên yêu cầu phía công ty trả 3 tỷ đồng tiền mặt. Cuối cùng, phụ phí đã giảm xuống còn 2,62 triệu Yên bao gồm tiền phạt, tương đương khoảng gần 600 triệu đồng.

Tenma được thành lập vào năm 1949. Theo Báo cáo Chứng khoán năm 2018, Tenma có tới 7.557 trên toàn cầu và doanh thu hàng năm khoảng 84,8 tỷ Yên.

Nghi vấn hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ, công ty Tema kinh doanh thế nào? - Ảnh 2.

Doanh thu năm 2018 của Tenma khoảng 84,8 tỷ Yên.

Hối lộ công chức Việt Nam - từng có tiền lệ

Không phải đến thời điểm hiện tại, việc cán bộ công chức Việt Nam bị nghi ngờ nhận hối lộ từ doanh nghiệp Nhật Bản đã từng có tiền lệ trong quá khứ.

Còn nhớ, năm 2014, Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật cho hay công ty tư vấn đường sắt có trụ sở ở Tokyo Japan Transportation Consultants (JTC) đã chi tổng cộng khoảng 130 triệu Yên (1,62 triệu USD) tiền "lại quả" cho các quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan cho các dự án ODA họ được nhận tiến hành ở các nước này.

Nghi vấn hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ, công ty Tema kinh doanh thế nào? - Ảnh 3.

Sơ đồ JTC hối lộ tiền cho các quan chức ở nước ngoài để được nhận các dự án ODA của Nhật. (Tiền từ JTC tại Nhật được chuyển cho các văn phòng/nhân viên của JTC ở các nước, rồi từ đó chuyển cho các quan chức sở tại, để JTC được nhận dự án ODA).

JTC chi các khoản đút lót tương ứng với giá trị hợp đồng mà tập đoàn này nhận được. Cụ thể, họ đã lót tay khoảng 80 triệu Yên (782.640 USD) cho các quan chức đường sắt VN trong dự án trị giá 4,2 tỷ Yên (41 triệu USD), 30 triệu Yên cho các quan chức phụ trách ba dự án trị giá 2,9 tỷ Yên ở Indonesia và khoảng 20 triệu Yên cho các quan chức có quyền quyết định dự án trị giá 700 triệu Yên ở Uzbekistan.

Theo nguồn tin liên quan đến JTC, thì công ty này "lại quả" cho 5 quan chức chính phủ, trong đó có một quan chức cấp cao của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý dự án của Đường sắt Việt Nam, một quan chức ở Tổng công ty đường sắt của Bộ đường sắt Indonesia và một quan chức chịu trách nhiệm dự án ở Uzbekistan Temir Yollari, công ty đường sắt nhà nước của Uzbekistan.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Cơ quan CSĐT (Cục Cảnh sát kinh tế)- Bộ Công an đã khẩn trương vào cuộc. Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Một sự việc khác cũng từng được báo chí Nhật Bản đăng tải cách đây nhiều năm đó là việc các cựu lãnh đạo công ty tư vấn Nhật Bản PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TP HCM. Các cựu lãnh đạo này bị buộc tội vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có điều nghiêm cấm hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài. Các cựu lãnh trong sự việc này đều thừa nhận mình phạm tội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem