Nghịch cảnh của hoa khôi bóng chuyền Đào Thị Nhung 1m82
Nghịch cảnh của hoa khôi bóng chuyền Đào Thị Nhung 1m82
Phúc Vinh
Thứ năm, ngày 17/09/2020 16:10 PM (GMT+7)
Khuôn mặt đẹp góc cạnh, đôi chân dài miên man và là gương mặt sáng giá cho sàn cat-walk nhưng "bông hoa" của bóng chuyền Việt Nam Đào Thị Nhung lại vô cùng lận đận trên sân bóng.
Nếu trưởng thành từ “lò” Thông tin hay Long An, có thể tin chắc Nhung sẽ không thua kém bất cứ cầu thủ nào cùng lứa với mình. Như một định mệnh, cô gái Sài thành đầy đam mê và tố chất tìm đến rồi gắn bó với Tân Bình TP.HCM – đội bóng khốn khổ của bóng chuyền Việt Nam. Tiếng là đội bóng ở giữa một trung tâm hàng đầu cả nước, song ngay từ khi gia nhập đội, cô thiếu nữ 13 tuổi cao kều cùng các đồng đội phải chịu biết bao thiệt thòi, chế độ sinh hoạt và điều kiện tập luyện thuộc diện kém nhất, đội hình từ tuyến trẻ cho tới đội 1 đều thiếu và chắp vá.
Thậm chí, khi tài năng chớm nở, cần thêm thời gian để thử thách, rèn luyện, Nhung đã được đôn lên để gánh vác nhiệm vụ của đội. Và chỉ trong vòng 5 năm, chủ công có chiều cao nhất đội với 1,82 m phải trải qua bao cuộc khóc – cười khi đội bóng của mình 2 lần xuống hạng, 2 lần lên hạng kế tiếp nhau. Ngay mùa giải 2013, cô cùng các đồng đội đã phải dự “chung kết ngược” và phải chiến đấu cật lực mới giành quyền trụ hạng vào phút chót.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, tình yêu của Nhung với trái bóng và với Tân Bình TP.HCM vẫn không hề suy chuyển. Đó lại chính là thử thách để tài năng của cô được khẳng định.
Cánh chim lẻ loi ấy vẫn không ngừng tiến bộ, để luôn đứng trong số những gương mặt trẻ sáng giá, với thể hình thể lực, lý tưởng, lối chơi thông minh và dũng mãnh. Dù không có được sự hỗ trợ tốt ở một đội hình yếu hơn hẳn các đối thủ, giải nào Nhung cũng nằm trong số những chủ công ghi được nhiều điểm nhất, mà điểm tựa là sức bật cao trên 3 m, luôn tung ra các pha dứt điểm đầy uy lực, hóc hiểm.
Dẫu vậy, khả năng phát triển của cô vẫn chịu quá nhiều thua thiệt. Ngay từ năm 2010, chủ công 17 tuổi đã được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia và 1 năm sau lên thẳng đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, Nhung chưa thể tìm kiếm được một vị trí vững chắc cho mình, không phải vì năng lực, mà bởi phải tự kết nối với các thành viên khác trên tuyển, điều các đồng đội ở Thông tin hay Long An dễ dàng thích nghi.
Đó là một trở ngại lớn mà Nhung khẳng định mình sẽ quyết tâm vượt qua cho bằng được. Cũng may vì bước sang năm 2014, Tân Bình TP.HCM đã có tài trợ, thu nạp nhiều cầu thủ chất lượng như cựu binh Diệu Châu hay Ngọc Diễm, giúp Nhung có cơ hội phát triển mình hơn.
Nghiệp bóng chuyền trắc trở bao nhiêu thì cũng như một cái duyên, những cánh cửa khác với Nhung lại thênh thang. Cô đã thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM và sau 4 năm theo học thì đã có cho mình tấm bằng cử nhân.
Thời gian sau đó, chân dài bóng chuyền này đã bén duyên sàn cat-walk "quá ngọt". Bước ngoặt đến với Nhung rất ngẫu nhiên khi thử sức mình trong một cuộc casting của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cho show thời trang Biển nhớ rồi lọt vào danh sách đầu bảng.
Không chỉ Mạnh Cường mà tất cả các cộng sự đều nhìn thấy ngay hình bóng một người mẫu của hiếm từ cô gái ngoại đạo này - các số đo hình thể chuẩn (cao 1,82 m, ba vòng 88-64-89), khuôn mặt đẹp, toát lên vẻ sang trọng và góc cạnh, khả năng trình diễn biểu cảm, tự nhiên.
Cuối tháng 4/2014, người đẹp bóng chuyền đã sải những bước chân trên sàn diễn của Biển nhớ bên cạnh nhiều hoa hậu, người mẫu tên tuổi mà không hề kém cạnh, thậm chí còn có nét riêng.
Ngoài Mạnh Cường, nhiều nhà thiết kế khác cũng đánh giá cao cô “người mẫu nghiệp dư” và gửi tới nhiều lời mời làm mẫu ảnh, quảng cáo.
Năm 2016, bước ngoặt cuộc đời đến với Đào Thị Nhung khi cô quyết định chia tay bóng chuyền để lấy chồng và theo nghiệp catwalk. Giờ đây, cuộc sống của Nhung bên gia đình đã tạm ổn, nhưng nó lại mang tới nhiều tiếc nuối cho NHM bóng chuyền Việt Nam. Tiếc vì một chân dài bóng chuyền đối mặt với nhiều nghịch cảnh và không thể vươn tới đỉnh cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.