Nghịch lý: Nhiều nơi nông sản rẻ như cho, nơi không có để bán vì khó lưu thông hàng hoá giữa các vùng miền

Thanh Phong Thứ hai, ngày 09/08/2021 17:13 PM (GMT+7)
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành phải thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến nhiều địa phương mạnh ai nấy làm dẫn đến tình trạng nông sản khó lưu thông giữa các vùng miền. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nơi nông sản rẻ như cho, nơi không có để bán.
Bình luận 0

Xuất khẩu nông sản cuối năm có thể giảm mạnh

Mới đây, Tổ công tác của Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về tình hình sản xuất cung ứng nông sản 19 tỉnh, thành phố ở phía Nam.

Theo đó, Tổ trưởng tổ công tác Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều vùng nguyên liệu đang bị phong tỏa. Do đó, việc thu hoạch và sản xuất tại một số tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Dự báo mặc dù nhu cầu thị trường hiện vẫn rất lớn song nguồn cung nông sản phục vụ cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ giảm mạnh.

Dịch Covid-19: Hướng đi nào cho việc tiêu thụ nông sản? - Ảnh 1.

Nguồn cung nông sản xuất khẩu có thể thiếu hụt giai đoạn cuối năm do ảnh hưởng dịch Covid-19. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Điển hình, đối với xuất khẩu rau quả, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng, hiện do áp dụng giãn cách xã hội, cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp; tâm lý người dân không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu. Dự kiến xuất khẩu rau quả 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%.

Về ngành thủy sản, ông Trần Thanh Nam cho hay, dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp, nhà máy… khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt ở khu vực Nam bộ hầu hết giảm công suất chỉ còn 50%.

"Thời gian tới, xuất khẩu thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Trong điều kiện tốt nhất, dịch lắng xuống và kiểm soát được sau 3 tháng tới, mức tăng xuất khẩu thủy sản hằng tháng sẽ đạt khoảng 6-8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD.

Nếu tình hình xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Trung Quốc tăng cường kiểm soát thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa 8,8 tỷ USD", ông Trần Thanh Nam đánh giá.

Đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, Tổ công tác cũng đưa ra dự báo về một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết. Do vậy, cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là lưu thông và chế biến, cấp đông khi giá gia cầm hạ quá thấp.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện tại, một số mặt hàng nông sản (như thanh long, chuối, dứa, chanh, gà lông trắng, cá tra, tôm) khó tiêu thụ, ứ đọng, giá xuống thấp, dẫn đến một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lý băn khoăn chán nản trong tái đầu tư sản xuất.

Cần có "trọng tài" trong việc tiêu thụ nông sản

Nhận định về tình trạng chuỗi cung ứng nông sản đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh trên, đối tượng bị tổn thương lớn nhất chính là người nông dân.

Cụ thể, theo  ông Vũ Vinh Phú phân tích, sau 7 tháng đầu năm 2021, do tình hình phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ sức mua tiêu dùng cũng đã giảm đi rõ rệt.

Trong đó, 70% nhà máy chế biến nông sản thực phẩm tạm thời ngừng hoạt động, việc vận chuyển giữa các vùng miền còn gặp những khó khăn khi những "luồng xanh" chưa thật đảm bảo.

Theo thống kê sơ bộ từ nay đến cuối năm 2021, Đồng bằng Sông Cửu long và toàn miền Nam sẽ có 5,7 triệu tấn nông sản thực phẩm đến mùa thu hoạch và tiêu thụ. Chính vì vậy, việc giải quyết đầu ra cho quỹ hàng hóa khổng lồ này là một vấn đề hết sức cấp bách.

Dịch Covid-19: Hướng đi nào cho việc tiêu thụ nông sản? - Ảnh 2.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Thanh Phong)

Có thể điểm qua một số tin về giá cả những hàng hóa ở thị trường phía Nam đang bị sụt giá trị chưa từng có. Đơn cử, gà công nghiệp với hàng chục triệu con giá chỉ còn 5.000 –7.000đ /kg. Một số gà giống hàng chục triệu con khả năng phải tiêu hủy bởi chưa có ai đến thu mua, trong khi giá thức ăn gia súc đã tăng 6 – 8 lần.

Thủy hải sản đánh bắt và nuôi trồng giảm giá từ 10 – 30%, một số đã phải chuyển sang làm thức ăn cho gia súc vì quá rẻ. Các loại hoa quả như thanh long, nhãn, dứa... cũng bị rớt giá rất mạnh. Thanh long có lúc chỉ còn 5.000đ/kg ở Bình Thuận với sản lượng sắp thu hoạch hàng chục nghìn tấn.

"Chúng ta không thể kể hết danh mục những mặt hàng bị giảm giá và tồn đọng ở vùng sản xuất nông sản thực phẩm lớn nhất cả nước này. Trong điều kiện giá hàng hóa bị sụt giảm mạnh như vậy, một mặt người nông dân bị thua lỗ, gặp nhiều khó khăn nhưng mặt khác những người tiêu dùng ở các thành phố lớn, nhất là những nơi có dịch, giá các sản phẩm ở chợ và siêu thị lại cao một cách vô lý", ông Phú chia sẻ

Đánh giá về nguyên nhân gây ra tình trạng trên, Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định có rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, đó là chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy mà nguyên nhân chính là khâu vận chuyển.

Thứ hai, lưu thông hàng hóa không có kho dự trữ chiến lược. Hàng hóa làm ra được để ở các kho tạm hoặc che bạt ngoài đồng, từ đó dẫn tới hao hụt, hư hỏng, đặc biệt là bị thương lại "bắt bí" như ép giá, ép cấp.

Thứ ba, hàng hóa lúc thu hoạch rộ thì không đủ các nhà máy chế biến để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời giảm tồn kho, dư thừa ở khâu sản xuất. Hiện nay các nhà máy của Việt Nam chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu chế biến này, số còn lại chủ yếu phục vụ cho ăn tươi hoặc xuất khẩu không qua chế biến.

Thứ tư, hệ thống phân phối. Trên thực tế, hàng nông sản thực phẩm 85% tiêu thụ ở các chợ lẻ, 15% ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trong khi đó cơ sở vật chất của chợ, nơi tiêu thụ phần lớn quỹ hàng hóa này còn rất yếu kém.

Chính vì vậy, kênh truyền thống không kham nổi và cũng không có điều kiện bảo quản để tổ chức bán ra cho người tiêu dùng. Còn siêu thị vừa đảm nhiệm lượng tiêu thụ khiêm tốn, vừa kinh doanh chủ yếu theo kiểu "ăn đong", không có dự trữ.

"Mặt khác, cánh cửa đón những mặt hàng nông sản thực phẩm còn "nửa đóng nửa mở", có những thời điểm siêu thị còn chèn ép vô lý nhà cung ứng. Câu chuyện này là một sự thực khách quan khi mà báo chí, các chuyên gia đã lên tiếng nhiều năm nay mà chưa có "trọng tài" đứng ra chia sẻ".

Tất cả những vướng mắc ở trên là nguyên nhân sâu xa là chủ yếu dẫn tới tình hình giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản thực phẩm ở nước ta còn nhiều trở ngại khó khăn. Đây là bài toán mà các cấp, các ngành cần phải tập trung giải quyết sớm nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và tổ chức lưu thông hàng hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả, phục vụ cho tiêu dùng", Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem