Kéo dài “cánh tay” kết nối, tiêu thụ nông sản

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 06/08/2021 08:02 AM (GMT+7)
Khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, rất nhiều khó khăn trong vấn đề lưu thông, tiêu thụ nông sản đã xuất hiện.
Bình luận 0

Với sự vào cuộc của Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, những khó khăn dần được tháo gỡ, nông sản được kết nối, lưu thông. Bộ NNPTNT đặt mục tiêu sau sự kết nối bước đầu này sẽ hình thành được nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ nông sản bền vững.

Bài 1: Khó ở đâu, gỡ ở đó

"Khó ở đâu, gỡ ở đó", với phương châm ấy, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thông chốt, kết nối đưa nông sản đi tiêu thụ thuận lợi.

1.000 tấn thủy sản, 50 tấn đùi ếch... đặt mua qua Tổ công tác

Ngay sau khi Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT được thành lập để chỉ đạo tình hình sản xuất, tiêu thụ và kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản ở phía Nam, một trong những việc đầu tiên tổ công tác làm là xây dựng các đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 

Chỉ sau vài ngày, số lượng đầu mối cung cấp nông sản cho thị trường phía Nam đã lên đến 180 đầu mối. 

Còn tính đến ngày 3/8, Tổ công tác 970 đã kết nối được 580 đầu mối cung ứng, kết nối tiêu thụ nông sản, nhờ đó, lượng nông sản cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam phần nào được đảm bảo.

Kéo dài “cánh tay” kết nối, tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT trong một chuyến đi kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: Minh Sáng

Trong những ngày đầu giãn cách, việc vận chuyển nông sản của một số doanh nghiệp như Minh Dư, Ba Huân gặp khó khăn. Tổ công tác 970 đã trực tiếp đứng ra tháo gỡ, đồng thời tham mưu, kiến nghị để Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ, các ngành chức năng kịp thời tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp, hàng hóa thiết yếu.

Nhiều HTX, doanh nghiệp sau khi tham gia đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm của Tổ công tác 970 đã ngay lập tức gỡ khó được khâu tiêu thụ, có ngay hợp đồng. 

Đơn cử như HTX Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An) đã ký được hợp đồng cung ứng 15 tấn rau-củ cho một chuỗi thực phẩm sạch ở Đồng Nai.

Một HTX ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cũng ký được hợp đồng cung cấp trứng cho một đơn vị ở TP.HCM với số lượng 20.000 quả trứng/3 ngày.

Ngày 31/7, Tổ công tác cũng đã kết nối với 1 doanh nghiệp liên doanh của Singapore để tiêu thụ 1.000 tấn thủy sản các loại, nhận hàng trong 10 ngày. 

Tổ đang xử lý bằng cách chia đơn hàng cho nhiều đầu mối ở nhiều tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ cho 244 đầu mối cung cấp thủy sản qua tổ.

Phía doanh nghiệp lúc đầu chỉ muốn đàm phán mua qua 3 nhà cung cấp, nhưng sau khi nghe đại diện Tổ công tác 970 giải thích ý nghĩa của chương trình kết nối cung cầu nông sản, doanh nghiệp đồng ý thu mua theo hợp đồng với các đầu mối có đăng ký qua Tổ công tác 970 và có khả năng cung cấp trên 50 tấn. 

Ngoài 1.000 tấn thủy sản, theo đại diện Tổ công tác 970, cũng vừa có doanh nghiệp muốn ký hợp đồng mua 50 tấn đùi ếch.

Ngoài ra, Tổ công tác 970 cũng kết nối tiêu thụ được nhiều đơn hàng liên quan đến những sản phẩm rau an toàn, rau VietGAP, dừa tươi, gạo, tôm càng xanh, nhiều loại trái cây, cá điêu hồng, khoai lang và nhiều mặt hàng khác.

Kéo dài “cánh tay” kết nối, tiêu thụ nông sản - Ảnh 3.

HTX Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An) đã ký được hợp đồng cung ứng 15 tấn rau - củ cho một chuỗi thực phẩm sạch ở Đồng Nai. Ảnh: M.T

Không chỉ kết nối, tiêu thụ nông sản, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác 970, Tổ còn đứng ra giải quyết những khó khăn trong vấn đề lưu thông nông sản của các doanh nghiệp, địa phương.

 Mới đây, đại diện Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã có thư cảm ơn gửi đến Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT vì đã hỗ trợ công ty vận chuyển, lưu thông thuận lợi hơn 1.000 tấn chuối. 

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát cho biết, trong những năm qua, công ty đã đầu tư nhiều vùng trồng chuối tại Tây Ninh, Đăk Lăk với diện tích 168ha. Ngoài ra, công ty còn tham gia bao tiêu cho nông dân ở nhiều địa phương với diện tích 250ha.

Trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát đã gặp một khó khăn về phương tiện di chuyển, vận chuyển chuối, thiếu nhân công thu hoạch sản phẩm, giao nhận hàng hóa nhu yếu phẩm cho siêu thị.

 Rất may mắn là Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của hai tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT, nhờ đó những khó khăn trong lưu thông qua chốt kiểm soát đã được tháo gỡ, sản phẩm chuối được lưu thông thuận lợi.

Triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, qua công tác khảo sát và thông tin từ các địa phương và doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, chế biến nông thủy sản và giết mổ gia súc gia cầm hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực lao động thu hoạch nông sản, về thực hiện "3 tại chỗ" trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Kéo dài “cánh tay” kết nối, tiêu thụ nông sản - Ảnh 4.

Công ty Ba Huân đã được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vận chuyển trứng. Ảnh: T.L

Kéo dài “cánh tay” kết nối, tiêu thụ nông sản - Ảnh 5.

Trong khi đó, các tỉnh Nam bộ đang vào thời kỳ thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực như lúa hè thu khoảng 1 triệu ha, sản lượng 5,5 triệu tấn lúa; hàng tháng khu vực này còn sản xuất 640.000 tấn trái cây, 500.000 - 600.000 tấn rau - củ; 141.000 tấn lợn, 55.000 tấn gà; 550 triệu quả trứng gia cầm…

"Sản xuất lúa thu đông đang cần lượng lớn giống và các loại vật tư nông nghiệp; việc thả nuôi tôm, cá tra cũng đang được chuẩn bị, dự kiến mỗi tháng khu vực này cần khoảng 10 tỷ con tôm post, 150.000 - 200.000 con cá tra giống. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông, thủy sản" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Từ thực tế đó, để duy trì, phục hồi sản xuất nông nghiệp hiện nay và trong những tháng sắp tới, cũng như ổn định đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đề xuất Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện, ưu tiên tiêm vacine phòng Covid-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện "3 tại chỗ" trực tiếp sản xuất.

Triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL.

Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ NNPTNT phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khuyến khích cơ sở sản xuất và doanh nghiệp thu mua nông sản thiết yếu và cung ứng vật tư nông nghiệp để kích cầu thúc đẩy sản xuất. 

Tiếp tục triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng là công nhân, người lao động ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; hỗ trợ giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản để bảo quản sản phẩm đông lạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mục tiêu của việc kết nối cung cầu nông sản trước mắt là làm thế nào để đảm bảo cung cầu hàng hóa giữa 2 miền Nam - Bắc. 

Về lâu dài tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sau này, chứ không chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem